BVR&MT – Theo khảo sát tại 21 quốc gia, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng được ưa chuộng nhất, với 68% số người ủng hộ, tiếp theo là năng lượng gió (54%), thủy điện (35%) và năng lượng hạt nhân (24%).
Kết quả một cuộc khảo sát toàn cầu công bố mới đây cho thấy gần 70% số người được hỏi trên thế giới ủng hộ sử dụng năng lượng mặt trời, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc khảo sát do Công ty Nghiên cứu Glocalities phối hợp với Tổ chức Global Citizen thực hiện với hơn 21.000 người ở 21 quốc gia trên thế giới trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong số các quốc gia được khảo sát có Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Mexico, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Theo khảo sát, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng được ưa chuộng nhất, với 68% số người ủng hộ, tiếp theo là năng lượng gió (54%), thủy điện (35%) và năng lượng hạt nhân (24%). Tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch là 14%.
Cuộc thăm dò nói trên củng cố kết quả của các cuộc thăm dò công bố trước đó cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu và Mỹ.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Eurobarometer của Liên minh châu Âu (EU) thực hiện trong hai tháng 5 và 6 vừa qua, 85% số người châu Âu được hỏi ủng hộ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, kết quả thăm dò của trung tâm nghiên cứu Pew công bố đầu năm 2022 cho thấy 69% số người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, thay vì tăng cường sản xuất dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, theo nhà đồng sáng lập Global Citizen – ông Michael Sheldrick, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 77% tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới trong năm 2022. Tỷ lệ này nêu bật một nghịch lý đáng lo ngại, đó là bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chiếm ưu thế.
Theo một báo cáo công bố mới đây về lĩnh vực năng lượng toàn cầu, nhu cầu năng lượng trên thế giới tăng 1% trong năm 2022 và năng lượng tái tạo đạt mức tăng trưởng kỷ lục. Tuy nhiên, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu vẫn chiếm vị trí thống trị.
Các nhà khoa học cho rằng đến năm 2030, thế giới cần cắt giảm khoảng 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 2019, để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, đó là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.