BVR&MT – Huy động các nguồn lực xã hội thông qua hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng gắn với thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Chính sách này được tỉnh Lào Cai triển khai hiệu quả đã đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh liên tục tăng qua các năm, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động theo Nghị định số 141 ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác.
Quỹ thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp bắt buộc, nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn tiền trồng rừng thay thế để phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra cơ chế tài chính mới huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân làm nghề rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Qua 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong hoạt động, quỹ luôn chủ động, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác và cơ chế tổ chức thực hiện chính sách tại địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực của xã hội và giảm gánh nặng ngân sách đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần quan trọng thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Cũng thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển rừng bền vững, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, lưu giữ và cung cấp nguồn nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Điều quan trọng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại, đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng và người dân nhận khoán bảo vệ rừng thấy được vai trò, giá trị của rừng đem lại, từ đó tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tốt hơn và tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phát rừng để làm nương… giảm đi đáng kể; tạo nguồn lực mới ổn định, góp phần xã hội hóa nghề rừng, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn 2011 – 2021, đã có 120 nhà máy, cơ sở thuộc đối tượng ký kết hợp đồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thu được gần 723 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng và 85 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần bảo vệ và phát triển 230.000 ha rừng của 19.000 chủ rừng, chiếm 2/3 diện tích rừng toàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 51,2% năm 2011 lên 56,9% năm 2020 (đứng thứ 11 toàn quốc, đứng thứ 6 trong tổng số 25 tỉnh phía Bắc, 17 tỉnh miền núi phía Bắc).
Những kết quả trong triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 – 2021 trên địa bàn tỉnh là sự nỗ lực, sáng tạo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, sự phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các chủ rừng, đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để đáp ứng được nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức trong ngành, phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được. Giữ vững và thực hiện nghiêm túc kỷ luật của ngành, chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, viên chức của đơn vị. Phát huy tinh thần dân chủ, tính năng động, sáng tạo, sức mạnh tập thể của toàn ngành.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tổ chức tuyên truyền, triển khai Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156 ngày 16/11/2018 của Chính phủ đến các đơn vị, các chủ rừng, người dân tại các địa phương. Đảm bảo tốt quy chế phối hợp giữa sở, ngành và các đơn vị liên quan trong thực hiện chính sách tại địa phương, thường xuyên tổng kết, đánh giá công tác phối hợp, đảm bảo thực hiện chính sách theo quy định.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế. Trong đó, tập trung đầy đủ, huy động tối đa các nguồn thu từ các đối tượng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương; đảm bảo thu đúng đối tượng, đúng số tiền theo quy định, công khai, minh bạch trong công tác thu tiền dịch vụ môi trường rừng, tạo đồng thuận cao giữa các đơn vị, đối tượng phải thu trong chấp hành chính sách tại địa phương; hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao. Quỹ cần làm tốt việc rà soát, xác định diện tích rừng chi trả của chủ rừng, đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đúng diện tích rừng và chất lượng rừng mà các chủ rừng được hưởng; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch danh sách đối tượng chi trả, số tiền chi trả, kế hoạch chi trả hằng năm theo Quy chế dân chủ tại cơ sở. Cần tổ chức, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát của quỹ, các đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí tại các chủ rừng, qua đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tại các đơn vị, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án, tận dụng tối đa nguồn lực về kỹ thuật, tài chính để đào tạo, hỗ trợ nguồn năng lực, kỹ thuật, phục vụ hiệu quả công tác triển khai chính sách tại địa phương.
Thứ năm, rà soát và hoàn thiện đội ngũ cán bộ trong đơn vị, có chương trình, kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, viên chức của đơn vị, quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tốt về phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong điều kiện hiện nay.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, nhất trí và nhiệt huyết đổi mới, năng động, sáng tạo của toàn thể cán bộ, viên chức, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ ngày càng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.