BVR&MT – Những đột phá quan trọng trong chính sách đất đai thời gian gần đây đã mang lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Công tác quy hoạch, kế hoạch gắn kết tốt hơn với khai thác sử dụng đất, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất.
Hiệu quả từ đổi mới quản lý
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các địa phương đã thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay, các địa phương sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện đổi mới phương thức công khai các quy hoạch bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. Đăng tải hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đô thị trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thẩm định để xin ý kiến cộng đồng dân cư trước khi thẩm định hoặc phê duyệt.
Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp này; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.
Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy trình chặt chẽ (thông qua Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi UBND quyết định giá đất). Việc xác định giá đất đa số được thực hiện qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất nên đã tạo sự khách quan trong công tác định giá đất.
Từ khi thi hành Luật Đất đai 2013, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung. Toàn bộ thông tin như tờ thửa, diện tích, mục đích, tình trạng pháp lý đều được công khai… Để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, Đà Nẵng đã chủ động ban hành nhiều chính sách, biện pháp có tính đột phá như giảm 5%-10% tiền thu từ đất nếu nhà đầu tư nộp đủ tiền và sớm hơn so với thời hạn quy định; lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức cho thuê hoặc giao đất trực tiếp, ký kết các bản thỏa thuận nguyên tắc với nhà đầu tư…
Theo đó, năm 2021, Đà Nẵng đã truy thu được hơn 1.000 tỉ đồng tiền thất thu; đã điều chỉnh hơn 400 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài thành 50 năm; đã chủ động rà soát pháp lý đất đai của các dự án được giao đất, cho thuê đất trước đây để có giải pháp khắc phục, đưa các dự án vào triển khai và khai thác hoạt động trong thời gian sớm nhất. Năm 2022, Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thông minh phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh của thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, thông qua công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc quản lý, sử dụng đất tại các quận, huyện đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; khoanh định một cách hợp lý, bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên trồng lúa nước đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hiện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất – Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ đang quản lý tổng cộng 51 khu đất công, trong đó có 10 khu đất đã đủ điều kiện để đưa ra bán đấu giá quyền sử dụng đất thuê và 17 khu đang hoàn chỉnh bổ sung thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê…
Đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khắc phục tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Cùng với đó, UBND cấp tỉnh cần hoàn thành việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 cấp tỉnh; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030; trong đó, có các chỉ tiêu sử dụng đất tại đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung hạn chế sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để xây dựng đô thị.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý tài nguyên đất
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, trước hết Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và nhận thức đầy đủ, sâu sắc, phù hợp hơn về bản chất và cấu trúc của “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai” ở nước ta; tiếp tục đổi mới nhận thức và chế định rõ, phù hợp, hiệu quả hơn vai trò của Nhà nước trong quan hệ đất đai; tiếp tục đổi mới nhận thức và chế định rõ, phù hợp, hiệu quả hơn quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của các chủ thể sử dụng đất.
Đồng thời, hoàn thiện đồng bộ thể chế để đất đai (quan hệ đất đai) vận động có hiệu quả cao trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Định hướng cơ bản trong đổi mới quan hệ đất đai là không ngừng nâng cao hiệu quả tổng hợp về kinh tế – chính trị,- văn hóa – xã hội,- môi trường sinh thái, an ninh quốc gia – quốc phòng; đất đai phải trở thành một nguồn lực trọng yếu cho phát triển nhanh – bền vững đất nước từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã từng bước nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo ra nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Thông qua đó, tạo điều kiện tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng công nghiệp, giao thông và các khu vực phụ cận; chỉnh trang đô thị và xây dựng các khu đô thị mới.
Cùng với quá trình phát triển của đất nước, định hướng sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới cần tập trung và chỉ ra cách thức sử dụng các công cụ điều tra, đánh giá, kiểm kê, thống kê, hạch toán, kiểm toán đất đai để lập quy hoạch sử dụng đất tích hợp theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng các công cụ kinh tế, tài chính để quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, số hóa kết quả kiểm kê đất đai; lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đăng ký quyền, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tích hợp; xây dựng bản đồ giá đất tới từng thửa đất trên cơ sở nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian địa lý…
Trên cơ sở nhận thức rõ rằng những hạn chế, tồn tại trong khai thác nguồn lực đất đai là một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai và đề ra nhiệm vụ: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên. Trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn , Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Quốc gia Sự thật nhận định: “Những chủ trương, chính sách trên của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất một cách bền vững”.