BVR&MT – Tối 18/12, tại Trung tâm Thương mại Vincom – thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ tư năm 2020.
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ tư năm 2020 diễn ra từ ngày 18 đến 20/12/2020 thu hút sự tham gia của 100 gian hàng trưng bày cam và các sản phẩm nông nghiệp cùng với các hoạt động bổ trợ về văn hóa, du lịch, ẩm thực. Trong đó, sản phẩm chủ lực là các giống cam ngon nổi tiếng, chất lượng cao tại các vùng trồng cam lớn như: Hương Đô (Hương Khê); Đức Bồng, Đức Lĩnh (Vũ Quang); Sơn Mai, Sơn Trường (Hương Sơn); Thượng Lộc (Can Lộc)…Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm tiêu biểu khác như: đồ gỗ mỹ nghệ, mật ong, nước mắm, cây giống, kẹo cu đơ, giò chả, nhung hươu, hàng thủy hải sản…
Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ tư được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, chất lượng ngon nổi tiếng của cam Hà Tĩnh và một số nông sản đặc sản của các địa phương đến với đông đảo người dân trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam và các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đồng thời kích cầu tiêu dùng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Tạo mối liên kết, kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược. Nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các đặc sản nông sản Hà Tĩnh.
Việc tổ chức Lễ hội là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao đổi kinh nghiệm, bảo tồn giống cây quý, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng chế biến nông sản.
Cây cam được coi là cây làm giàu cho các hộ dân vùng miền núi Hà Tĩnh. Nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung vào phát triển đối tượng cây con chủ lực, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hướng đến việc khuyến khích, áp dụng sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và thâm canh. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều trang trại quy mô lớn từ hàng chục đến hàng trăm ha.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 6.000 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 4.000 ha, với năng suất trung bình đạt 10-12 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 43.000 tấn. Đối với những vườn cam thời kỳ kinh doanh cho quả ổn định có thể đạt 200-500 triệu đồng/ha/năm. |