BVR&MT – Sáng 28/02 tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia phối hợp với Ủy ban Bão quốc tế đã tổ chức khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế và các hoạt động kỉ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Bão quốc tế.
Lễ khai mạc diễn ra dưới sự chủ trì của hai tổ chức đồng sáng lập là Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) được sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong 50 năm qua, dưới sự bảo trợ của UNESCAP và WMO, Ủy ban Bão với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng chuyên ngành về bão đã đóng vai trò đặc biệt trong việc giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, giảm thiểu các tác động xã hội, kinh tế và môi trường do các thảm họa liên quan đến bão gây ra.
Từ phiên họp đầu tiên được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 1968 có 7 nước và vùng lãnh thể tham gia, cho đến nay Ủy ban Bão đã có 14 nước thành viên bao gồm: Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hongkong, Nhật Bản, Lào, Macao Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Triều Tiên, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực hình thành bão lớn nhất thế giới và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão nhiệt đới, từ khi thành lập đến nay, các nước thành viên Ủy ban Bão luôn thực hiện các cam kết tầm quốc gia trong hợp tác đa phương với các nước thành viên để giảm thiểu các rủi ro và thiệt hại chung từ bão.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, là thành viên của Ủy ban Bão quốc tế từ năm 1979, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Bão, luôn chung tay cùng với cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thực hiện và ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đặc biệt, Luật Khí tượng Thủy văn năm 2015 đã tạo cơ sở quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động KTTV; tạo hành lang pháp lý đối với các hoạt động KTTV trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người tài sản và sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư Petteri Taalas – Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới đánh giá, 2017 là một năm đặc biệt với xoáy thuận nhiệt đới trên quy mô toàn cầu. Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, số lượng các cơn bão và bão lớn (hạng 3 trở lên) ngày một tăng cao với 27 cơn xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 11 cơn phát triển thành bão, trung bình 30 năm chỉ có 25,6 cơn bão. Với sự thay đổi của khí hậu, cùng với sự tăng lên của tốc độ gió cực đại với lượng mưa sẽ gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị và cảnh giác mọi lúc và tận dụng tối đa những tiến bộ trong khoa học công nghệ trong dự báo bão.
Giáo sư cũng cho biết WMO đang xây dựng một chiến lược mới cho giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu dài hạn là tăng cường khả năng phục hồi của các nước thành viên với các vấn đề thời tiết, khí hậu và môi trường. WMO thông qua TCP đang đóng góp vào mục tiêu toàn cầu của Khuôn khổ Sendai 2015 về Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và mục tiêu phát triển bền vững thông qua các dự báo, cảnh báo sớm xoáy thuận nhiệt đới với phương pháp tiếp cận ảnh hưởng đa tác động, từ đó tăng khả năng ứng phó với thiên tai có bản chất khí tượng thủy văn như Hệ thống tích hợp quan trắc toàn cầu WMO (WIGOS), Hệ thống thông tin (WIS) và Hệ thống Dự báo và xử lý số liệu toàn cầu (GDPFS).
Trong báo cáo được công bố vào cuối tháng 10 vừa qua của ESCAP về Thiên tai của Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017, ESCAP đã nhấn mạnh rủi ro thiên tai đã vượt qua khả năng thích ứng, với khoảng 2 triệu người chết, và 1.3 nghìn tỉ USD thiệt hại do lũ lụt, bão, hạn hán, động đất, sóng thần kể từ năm 1970. Và hậu quả là những thiên tai, trong đó có bão, đang tàn phá sự phát triển, đẩy nhóm người dễ bị tổn thương quay trở lại nghèo đói và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giàu nghèo.
Ông Kaveh Zahedi, Phó Tổng Thư kí Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) đã nêu lên 3 nhiệm vụ sắp tới của các thành viên Ủy ban Bão, đó là: 1. Cập nhật các kế hoạch và mục tiêu không chỉ để phù hợp với Chương trình nghị sự năm 2030 mà còn nhằm cải thiện tính dễ tổn thương của người dân và cộng đồng; 2.Trong 50 năm kể từ khi bắt đầu, mức độ phức tạp của thiên tai đòi hỏi phải có các biện pháp đối phó toàn diện và các hệ thống cảnh báo sớm; 3.Cần tận dụng những thứ tốt nhất mà công nghệ đã cung cấp cho chúng ta ngày nay, bao gồm cơ hội đến từ ứng dụng dữ liệu rất sớm (big data). Đồng thời, ông đánh giá cao đối với Tổ chức Khí tượng Thế giới, đây thực sự là một sáng kiến có tầm nhìn xa để xây dựng khả năng phục hồi rủi ro thiên tai.
Khóa họp thường niên là dịp các nước thành viên đánh giá những thành quả trong hoạt động Ủy ban Bão trong năm 2017. Đồng thời điều phối việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 2018…
Sự kiện diễn ra trong 4 ngày, từ 28/2 – 3/3 với sự hiện diện của 150 đại biểu là người đứng đầu các cơ quan Khí tượng thủy văn, các chuyên gia hàng đầu về khí tượng thủy văn của 14 nước thành viên; các nước quan sát viên; quan chức cấp cao của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Khí tượng thế giới, Ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương.
Thạch Thảo – Hồng Yến