BVR&MT – Thực hiện nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo đối với thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Với quyết tâm đó, địa phương đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, đưa ngành thủy sản của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều bước tiến quan trọng
Xác định việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, ngăn chặn tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo thống kê từ UBND tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm đến nay, tỷ lệ đánh dấu tàu cá và tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên Hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, hàng tuần, ngành chức năng lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng với gần 60.000 lượt tàu/287.000 lượt người ra biển hoạt động.
Song song đó, việc theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động trên biển. Mặt khác, địa phương đã thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có trạm kiểm soát biên phòng; mở trên 2.000 lượt tuần tra, kiểm soát lưu động ven biển, các cửa biển, kiểm soát chặt chẽ không để tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình và thiếu thủ tục, giấy tờ ra biển hoạt động…
Với sự chủ động, quyết tâm rất cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay ngư dân Cà Mau hầu hết đều có sự hiểu biết nhất định về chống khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của ngư dân đã được nâng lên rõ rệt.
Về vấn đề này, qua ghi nhận tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nơi có cửa biển lớn và sầm uất nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với trên 1.300 phương tiện hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản; trong đó, có 720 phương tiện công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ngành chuyên môn tập trung theo dõi sát sao, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về chống khai thác IUU.
Ngư dân Nguyễn Văn Thủy, ngụ khóm 6, thị trấn Sông Đốc cho biết, như trước đây, tàu đánh bắt trên biển chủ yếu theo kiểu truyền thống, hầu như không ai ghi nhớ sản lượng, nguồn gốc thủy sản sau khai thác. Tuy nhiên, từ khi Nhà nước tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, các tàu cá luôn ý thức và chấp hành nghiêm việc ghi nhớ sản lượng đánh bắt và chứng minh nguồn gốc khai thác đánh bắt thủy sản trên biển.
“Hiện nay, mỗi khi tàu cá từ khi xuất bến đến khi về đất liền đều mở thiết VMS 24/24, thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu cam kết không vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC mà còn giúp cho tàu bè hoạt động an toàn hơn, nhất là khi có bão tố, thời tiết xấu trên biển…”, ngư dân Nguyễn Văn Thủy chia sẻ.
Từ thực tế, khi ý thức, trách nhiệm của mỗi ngư dân đều được nâng lên, không chỉ thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ, địa phương về các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc không rõ ràng, mà còn là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển; trong đó, điểm sáng chính là mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn”. Đây không chỉ được xem như lực lượng “dân quân biển” mà còn góp phần cùng lực lượng chức năng tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao ý thức cho từng ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển.
Trách nhiệm vì mục tiêu chung
Khoảng một tháng nữa, Việt Nam sẽ đón đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4 về IUU. Đây được xem là cơ hội quý giá để gỡ “thẻ vàng” cho ngành khai thác, đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Với vai trò quan trọng và là một trong bốn ngư trường khai thác thuỷ hải sản trọng điểm trong cả nước, tỉnh Cà Mau đang cấp bách triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống khai thác IUU; trong đó, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển; thực hiện nghiêm túc việc số hoá kết quả chống khai thác IUU. Ðồng thời, rà soát, quản lý chặt chẽ tàu cá đã bán khỏi địa phương để kịp thời có hướng xử lý theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài… Từ đó, chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững
Ðể chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón tiếp đoàn thanh tra của EC đến làm việc và cũng nhằm cụ thể hóa mục tiêu lộ trình đề ra, Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh) đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến tháng 10/2023.
Theo đó, đảm bảo 100% ngư dân nắm, am hiểu những quy định cơ bản của pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác IUU. Song song đó, 100% phương tiện thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại trạm kiểm soát biên phòng; kiểm soát và nắm được nguyên nhân đối với tàu cá nằm bờ, tàu cá mất kết nối, tàu vượt ranh giới, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Đồng thời, tỉnh kiểm soát 100% sản lượng thủy sản khai thác qua cảng cá chỉ định, 100% sản lượng khai thác qua cảng cá, bến cá tư nhân; kiểm tra, kiểm soát tất cả các hồ sơ, lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu; xử phạt 100% hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định; cập nhật 100% kết quả xử phạt vi phạm hành chính vào phần mềm cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Mặt khác, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cảng cá chỉ định, bến cá tư nhân, các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan về thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU; kiện toàn lực lượng quản lý nghề cá tại địa phương theo hướng thành lập lực lượng kiểm ngư tỉnh đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật thủy sản trên biển; bố trí đủ nguồn lực, trang thiết bị để nâng cao năng lực quản lý nghề cá tại cảng cá…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các ngành có liên quan, các địa phương phải rà soát lại hiện trạng tất cả mọi công việc liên quan đến quản lý, giám sát tàu cá, phải đến từng trường hợp và phải được thể hiện cụ thể thông qua hình ảnh mới nhất, để có cơ sở dữ liệu đầy đủ, rõ ràng.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, sẽ có đợt tổng kiểm tra, xử lý nghiêm minh nhằm tạo tính răn đe đối với trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản và công việc này được thực hiện nghiêm túc, tích cực ngay từ bây giờ, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt gắn liền với trách nhiệm phát triển quê hương, đất nước. Do đó, địa phương nào làm không tốt thì người đứng đầu nơi ấy phải chịu trách nhiệm…
Với nỗ lực đó, Cà Mau không chỉ đặt ra mục tiêu thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản mà còn tiến tới ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.