Indonesia lập bảo tàng bằng rác thải nhựa phía Đông đảo Java

BVR&MT – Nhằm gửi đi thông điệp về cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang ngày một trầm trọng hơn trên các đại dương, các nhà bảo vệ môi trường ở Indonesia đã lập ra một viện bảo tàng được làm hoàn toàn bằng nhựa để thuyết phục mọi người suy nghĩ lại về thói quen của họ và từ bỏ các loại đồ nhựa dùng một lần như túi và chai nhựa.

Người dân đi qua một đường hầm được tạo ra bằng các chai nhựa. (Nguồn: reuters.com)

Viện bảo tàng ngoài trời này được lập tại thị trấn Gresik ở phía Đông đảo Java của Indonesia. Để có được bảo tàng trên, các nhà bảo vệ môi trường đã mất 3 tháng để “lắp ráp” hơn 10.000 vật dụng bằng nhựa, từ các loại chai và túi xách đến các loại gói và ống hút, tất cả đều được thu gom từ các con sông và bãi biển bị ô nhiễm.

Trung tâm của bảo tàng là bức tượng có tên gọi là “Dewi Sri,” một nữ thần tượng trưng cho sự thịnh vượng được nhiều người dân ở đảo Java tôn thờ. Chiếc váy của nữ thần này được làm bằng các gói đồ gia dụng dùng một lần. Kể từ khi mở cửa hồi đầu tháng trước, bảo tàng trên đã đón tiếp hơn 400 khách thăm quan.

Theo người sáng lập bảo tàng Prigi Arisandi, qua bảo tàng này, các nhà bảo vệ môi trường của Indonesia muốn gửi thông điệp, kêu gọi người dân nước này ngừng sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần vì những đồ nhựa trên sẽ làm ô nhiễm đại dương – vốn được coi là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm chính của Indonesia.

Rác thải nhựa đã trở thành vấn đề rất hóc búa ở Indonesia. Nghiên cứu năm 2018 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy Indonesia là nguồn cung cấp rác thải nhựa ra biển lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, chiếm 1,3 triệu trong tổng số 8 triệu tấn đổ ra đại dương mỗi năm./.