Quy trình này sẽ diễn ra ở Indonesia – nước lâu nay từ chối yêu cầu gửi tinh trùng sang Malaysia để thụ tinh nhân tạo.
Các nhà bảo tồn ở cả hai nước và quốc tế đã xúc tiến một số công nghệ hỗ trợ sinh sản cho loài này, cho dù thông qua thụ tinh nhân tạo hoặc IVF, trong đó trứng lấy từ con cái được thụ tinh trong một phòng thí nghiệm và cấy vào một cá thể đóng thế.
Indonesia là nơi sinh sống của khoảng 30 đến 80 cá thể tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatlingsis), trong khi Malaysia chỉ còn duy nhất một cá thể cái sau khi cá thể đực cuối cùng chết vào tháng 5 vừa qua.
Theo kế hoạch mới được công bố, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sử dụng tinh trùng từ một trong những con tê giác đực được nuôi nhốt ở Indonesia để thụ tinh cho trứng từ con cái đơn độc của loài này ở Malaysia.
Chính phủ Indonesia và Malaysia đã hoàn tất quy trình hành chính theo Nghị định thư Nagoya – cơ chế chi phối việc chia sẻ quốc tế về vật liệu di truyền.
Quy trình IVF sẽ do các chuyên gia Indonesia thực hiện và được chính phủ nước này tài trợ.
Indonesia và Malaysia vẫn chưa thống nhất về quyền sở hữu của bất kỳ cá thể non nào sinh ra từ chương trình IVF.
Mặc cho nút thắt này, các nhà bảo tồn ở cả hai quốc gia đều hoan nghênh tiến bộ hợp tác được chờ đợi lâu nay, lưu ý rằng việc sản xuất phôi tê giác Sumatra thông qua IVF sẽ tăng thêm sự đa dạng cần thiết cho quần thể nuôi nhốt.
4/7 cá thể tê giác Sumatra tại Indonesia, bao gồm mọi cá thể đực, có họ hàng gần gũi. Iman, cá thể cái ở Malaysia, đến từ một quần thể ở Borneo, từng được coi là một phân loài riêng biệt và đã bị tách biệt về mặt di truyền khỏi các quần thể Sumatra trong hàng ngàn năm.
Đầu năm nay, một cá thể tê giác Ấn Độ hơn 7 tuổi (Rhinoceros unicornis) đã sinh con sau khi được thụ tinh nhân tạo.
Nhật Anh (Theo Mongabay)