BVR&MT – Đối với quần thể tê giác ở hệ sinh thái Leuser tại Sumatra, bẫy do những kẻ săn trộm đặt là nguyên nhân chính đẩy chúng đến sát bờ vực tuyệt chủng hơn.
Hệ sinh thái Leuser là một trong những nơi trú ẩn cuối cùng của tê giác Sumatra cực kỳ nguy cấp (Dicerorhinus sumatrensis). Chỉ còn chưa đầy 80 cá thể loai này trong tự nhiên, chủ yếu bị cô lập trong những khoảnh rừng nhiệt đới đang thu hẹp nhanh chóng ở đảo Sumatra và một số rất ít cá thể được cho là vẫn còn trên đảo Borneo.
Leuser là nơi sinh sống của quần thể loài lớn nhất, bị chia tách trong bốn sinh cảnh và cũng vì thế mà khu vực này trở thành địa điểm hứa hẹn nhất cho bảo tồn tê giác Sumatra. Tuy nhiên, những chiếc bẫy dây tiếp tục là mối đe dọa đối với tê giác.
“Voi to lớn là thế vẫn có thể bị thương nặng hoặc thậm chí bị giết nếu dính bẫy, vì vậy hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với những cá thể tê giác nhỏ hơn nhiều”, theo nhà sinh vật học Rudi Putra, chủ tịch Diễn đàn Bảo tồn Leuser (FKL).
FKL đã gỡ bỏ hoặc phá hủy 1.069 bẫy từ Leuser trong năm 2016 và 241 bẫy trong năm 2019. Bẫy được tìm thấy trong toàn bộ hệ sinh thái, từ vùng lõi cho đến các khu vực ngoại vi được phép khai thác gỗ.
Chính phủ Indonesia gần đây đã cam kết thực thi bảo vệ ở mức cao nhất mọi sinh cảnh của tê giác Sumatra. Một quần thể tê giác Sumatra vẫn còn ghi nhận các ca sinh sản tự nhiên như ở Leuser là rất quan trọng đối với sự tồn tại của loài. Nhiều chuyên gia về tê giác cho biết việc sinh sản tự nhiên chỉ có thể xảy ra khi loài cảm thấy đủ an toàn để giao phối.
Rudi cho biết “chúng tôi tập trung triển khai các đội tuần tra trên khắp Hệ sinh thái Leuser để bảo vệ tê giác và các loài động vật hoang dã khác khỏi những kẻ săn trộm. Nhưng chừng nào còn bẫy trong rừng thì tê giác sẽ luôn gặp nguy hiểm”.
Nhật Anh (Theo Mongabay)