Hy vọng cho bảo tồn linh dương saiga

BVR&MT – Linh dương saiga tồn tại từ kỷ băng hà nhưng nạn săn trộm, mất sinh cảnh và tình trạng chết hàng loạt là vấn đề dai dẳng cho đến khi những nỗ lực bảo tồn ở khu vực Trung Á có hiệu quả.

The floppy nosed saiga antelope’s population doubled in Kazakhstan and Russia in 2019. (Ảnh: Okhotzooprom)
The floppy nosed saiga antelope’s population doubled in Kazakhstan and Russia in 2019. (Ảnh: Okhotzooprom)

Linh dương saiga từng cùng với tê giác lông mượt và voi ma mút sinh sống trải dài từ quần đảo Anh đến Alaska. Khoảng 45.000 đến 10.000 năm trước, lãnh địa của loài này thậm chí vươn đến tận bắc bán cầu nhưng hiện chỉ còn thu lại trong các sa mạc và vùng đồng cỏ ở Kazakhstan, một phần lãnh thổ Uzbekistan, Nga và Mông Cổ.

Với cái mũi hình vòi trứ danh, linh dương saiga được IUCN phân loại vào nhóm cực kỳ nguy cấp, người ta chỉ nghe nói đến loài này vào tháng 5/2015 khi hơn 200.000 cá thể đột nhiên chết một cách bí ẩn chỉ trong vòng 3 tuần ở Betpak-Dala thuộc miền trung Kazakhstan.

Năm 2018, số lượng linh dương trưởng thành vào khoảng 125.000, giảm sâu so với con số hơn 1 triệu trong những năm 1990.

Dấu hiệu hồi phục

Giới bảo tồn cho hay quần thể linh dương saiga ở Kazakhstan và Nga tăng gấp đôi vào năm 2019, ước tính khoảng 300.000 cá thể, và có thể tăng lên 500.000 trong 2 năm tới.

Nhà nghiên cứu Munib Khanyari thuộc Trung tâm Bảo tồn liên loài Oxford chỉ ra nguyên nhân sự phục hồi của linh dương saiga là nhờ vào “những nỗ lực tuyệt vời của các NGO như Tổ chức Bảo tồn Đa dạng sinh học Kazakhstan, các cơ quan chính phủ như Okhotzooprom (chịu trách nhiệm bảo vệ các loài hoang dã của Kazakhstan) và lực lượng kiểm lâm đã nâng cao nhận thức, đi tuần và hạn chế các hoạt động săn trộm”.

Giới bảo tồn lạc quan nhưng cũng thận trọng sau khi quần thể ở cao nguyên Ustiurt Plateau tại Kazakhstan xuất hiện nhiều con non. Năm 2018, cũng tại khu vực này có tới 530 con non ra đời, tăng gấp đôi quần thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết linh dương saiga là loài có sức sống mãnh liệt, có cơ hội là loài sẽ tăng trưởng nhanh.

Linh dương saiga ở khu bảo tồn Stepnoi tại Nga. (Ảnh: Andrey Gilev và Karina Karenina)
Linh dương saiga ở khu bảo tồn Stepnoi tại Nga. (Ảnh: Andrey Gilev và Karina Karenina)

“Nhiều linh dương con ở Mangystau là dấu hiệu hồi phục tích cực rất cần thiết”, Khanyari chia sẻ. “Quần thể này di cư xuống phía nam ở Uzbekistan vào mùa đông nhưng bị các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt và hàng rào dọc biên giới Kazakhstan -Uzbekistan ảnh hưởng. Điều quan trọng là cần giám sát quần thể xem chúng phản ứng thế nào trước những thách thức cơ sở hạ tầng này”.

Săn trộm chưa chấm dứt

Săn trộm linh dương lấy sừng và thịt diễn ra tràn lan những năm 1990 và đến giờ vẫn là mỗi đe dọa với loài này. Sừng linh dương saiga được y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng rộng rãi để chữa sốt và viêm họng.

Ngoài Trung Quốc, Singapore cũng là điểm buôn bán sừng linh dương saiga lớn ở châu Á do các sản phẩm và dẫn xuất từ sừng được giao dịch và tiêu thụ hợp pháp. Cứ 5 người Singapore thì có 1 người sử dụng thuốc dẫn xuất từ sừng linh dương saiga (cũng được gọi là “linh dương”).

Nhu cầu làm thuốc không phải là mối nguy duy nhất. Tháng 9/2019, giới nghiên cứu kết luận “săn trộm tăng nhanh là kết quả trực tiếp từ việc Liên Xô sụp đổ, kéo theo tỷ lệ nghèo đói ở nông thôn tăng và năng lực quản lý và thực thi pháp luật giảm ở các nước có linh dương saiga sinh sống”.

“Tôi cho rằng mức độ săn trộm hiện nay không như lúc Liên Xô sụp đổ”, Khanyari chia sẻ. “Khi đó, người dân mất đi hỗ trợ từ nhà nước để nuôi gia súc nên phải giết linh dương saiga để lấy thịt và sừng khiến quần thể suy giảm”.

Theo Orazbay Abdirakhmanov, tác giả nhiều cuốn sách về môi trường khu vực biển Aral,có nhiều tác nhân khiến quần thể linh dương giảm như nạn săn trộm không được kiểm soát, các đường biên giới tác động tiêu cực đến di cư, mất sinh cảnh do các dự án công nghiệp như đường ống dẫn dầu và đương sắt được xây dựng ồ ạt sau năm 1990.

Tác động từ biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học xác định được một nguyên nhân đáng ngại khác khiến linh dương saiga suy giảm: tác nhân môi trường và liên quan tới khí hậu. Nghiên cứu của hai nhà bảo tồn người Anh Richard Kock và Eleanor Milner-Gulland đưa ra mối liên hệ giữa độ ẩm cao và hiện tượng linh dương chất hàng loạt: “hầu hết những cá thể chết khi độ ẩm trung bình hàng ngày vượt 80%. Tháng 5/2015, độ ẩm trng bầu không khí đạt mức cao nhất tính từ năm 1948”.

Khanyari cho hay: “Chết hàng loạt vẫn là mối lo ngại trong những năm tới. Nỗ lực bảo tồn phải đảm bảo các quần thể linh dương saiga đủ lớn để đương đầu với những hiện tượng tự nhiên nguy hiểm nhưng cũng thường xảy ra đó”.

Đàn linh dương saiga. (Ảnh: Munib Khanyari)
Đàn linh dương saiga. (Ảnh: Munib Khanyari)

“Có bằng chứng cho thấy thảm họa linh dương saiga chết hàng loạt năm 2015 (cũng như vài lần tương tự trong quá khứ) có liên quan đến Pasteurellosis – một loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn pasteurella multocida gây ra trong các điều kiện khí hậu bất thường. Vi khuẩn này tồn tại ở thực quản linh dương nhưng vì bất thường về nhiệt độ/độ ẩm trong thời gian sinh đẻ (các cá thể cái khi đó bị stress về thể chất) nên chúng trở thành virus và gây ra hện tượng xuất huyết nhiễm khuẩn. Đấy chỉ là một nguyên nhân tương đối, còn nguyên nhân tuyệt đối vẫn chưa được biết”.

Xung đột tiềm tàng với con người

Quần thể linh dương saiga tăng là tin tốt cho đa dạng sinh học nhưng các nông dân có cách nhìn khác. Nguồn tin địa phương cho biết nông dân ở tây bắc Kazakhstan bị thiệt hại do quần thể linh duong ở Ural di cư qua đồng ruộng.

“Theo tôi bết các cơ quan chính phủ và NGO đang thu thập dữ liệu/bằng chứng để đưa ra các can thiệp hợp lý, nếu cần thiết”, Khanyari nói. “Điều quan trọng là các bên liên quan làm việc cùng nhau để chia sẻ thay vì phân tán đất đai bảo vệ linh dương. Trong lịch sử, những bầy linh dương saiga rất lớn vẫn chia sẻ thảo nguyên với gia súc đó thôi và hiện giờ điều này cũng có thể thực hiện được”.

“Chăn thả quá mức có thể là mối lo khi số lượng linh dương saiga tăng nhưng quan trọng là phải đặt bối cảnh vào bức tranh lớn hơn. Biến đổi khí hậu tác động tới những vùng trên theo nhiều cách, đàn gia súc cũng tăng trở lại sau khi suy giảm vì Liên Xô tan rã”.

Bảo vệ “di sản thiên nhiên” vùng Trung Á

Chính phủ Kazakhstan đang nỗ lực xóa bỏ các tổ chức tội phạm săn trộm. Năm 2019, Ủy ban An ninh quốc gia thực hiện một chiến dịch trên phạm vi toàn quốc, thu giữ hơn một tấn sừng linh dương trị giá hơn 14 triệu đô la và bán sang Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cân linh dương saiga non. (Ảnh: Munib Khanyari)
Các nhà nghiên cứu cân linh dương saiga non. (Ảnh: Munib Khanyari)

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev khẳng định: “Những kẻ săn trộm vẫn nhắm vào linh dương saiga – di sản thiên nhiên của Kazakstan và sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật”.

Giới khoa học và bảo tồn cho rằng cách tiếp cận đa ngành là cần thiết, đi kèm với việc bảo vệ ở quy mô liên quốc gia trước nạn săn trộm. Cần thực hiện giám sát và nghiên cứu thường xuyên để các nước trong khu vực được chuẩn bị tốt hơn nếu dịch bệnh bùng phát.

“Linh dương saiga có vai trò thiết yếu với hệ sinh thái khu vực. Là loài tiêu thụ đầu tiên, chúng tác động đến những quá trình như phân hủy thực vật và tuần hoàn dinh dưỡng. Không có linh dương saiga, hệ sinh thái thảo nguyên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, tiềm tàng nguy cơ tác động đến khí hậu và cung cấp nước ở địa phương.

Linh dương saiga cũng là con mồi cho những loài đi săn như sói và đại bàng hung. Vì thế, chúng có vai trò thiết yếu trong chuỗi thức ăn”, Munib Khanyari phân tích.

“Hơn nữa, linh dương saiga cực kỳ quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử. Chúng di chuyển khắp trái đất kể từ thời đại của voi Ma mút. Chúng là các hóa thạch sống”.

Thế Anh (Theo The Third Pole)

Tags: ,
CHIA SẺ