BVR&MT – Với vị trí địa lý sở hữu nhiều cung đường dài, đèo dốc, thích hợp cho du lịch trải nghiệm, Đảng ủy và Chính quyền huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) đã ban hành nghị quyết quyết định chọn phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện. Trong đó tập trung chú trọng xây dựng mô hình các điểm làng văn hóa du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm như cho thuê xe mô tô tự lái…
Yên Minh là một huyện vùng cao núi đá, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang và là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được hưởng chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ. Yên Minh cũng là một trong các huyện có nhiều xã nhất (có tới 16 xã) của tỉnh Hà Giang được thụ hưởng đầu tư theo Chương trình 135 theo quyết định 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2107 của Thủ tướng Chính phủ.
Địa hình huyện Yên Minh phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 mét so với mặt nước biển, địa hình chia làm 4 loại: địa hình núi cao, địa hình núi thấp, địa hình thung lũng, địa hình castơ.
Trong suốt chiều dài của lịch sử, Yên Minh luôn là vùng đất có truyền thống văn hoá và cách mạng. Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ về kinh tế, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để từng bước đi lên thoát khỏi đói nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trong huyện
Đặc điểm tự nhiên của huyện Yên Minh chủ yếu là núi đá, thung lũng, cơ cấu dân số gồm: người Mông chiếm 54,6 %; Tày 13,25 %; Dao chiếm 14,6 %; Nùng chiếm 5,01 %; Giấy chiếm 6,7 %; Kinh chiếm 4,2 %; Dân tộc khác chiếm 1,64 %; trình độ dân chí không đồng đều nên việc tuyên truyền thực hiện các Chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gặp không ít khó khăn.
Nằm ở vị trí trung tâm trên trục trung chuyển giữa vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với thành phố Hà Giang và Trung Quốc. Vị trí đó vừa là lợi thế vừa là thách thức mọi mặt đối với huyện Yên Minh.
Thế mạnh là hoa tam giác mạch nên hàng năm huyện Yên Minh được tỉnh Hà Giang chọn là nơi tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch, đi cùng với hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống văn hóa của đồng bào là các dịch vụ bán đồ lưu niệm là các sản phẩm truyền thống của bà con vùng đồng bào mang đến lễ hội….
Nhận thấy Lễ hội Hoa tam giác mạch là điểm nhấn về du lịch, hàng vạn lượt khách du lịch đến với Hà Giang để trải nghiệm những cung đường đèo dốc, huyện Yên Minh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền công tác gìn giữ nét văn hóa của đồng bào, tổ chức nhiều điểm du lịch hoa tam giác mạch, thăm quan kết hợp trải nghiệm cuộc sống của bà con dân tộc.
Ngoài việc phát triển du lịch là thế mạnh, huyện Yên Minh cũng lồng ghép với công tác phát triển nông nghiệp tạo lương thực thực phẩm tại chỗ và thúc đẩy giao thương sản phẩm vùng miền, những sản phẩm truyền thống như mật ong bạc hà, bánh hoa tam giác mạch,… phát triển công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.
Song song với phát triển kinh tế, huyện Yên Minh cũng quan tâm tới đời sống văn hóa của bà con, hàng năm huyện tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Đồng chí Phan Thị Minh – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Năm 2018, sản xuất nông lâm nghiệp của Yên Minh đã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch ngô chính vụ và chăm sóc tốt 2.262,9 ha lúa mùa đã cấy; làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên không có dịch bệnh xảy ra, hiện nay tổng đàn gia súc của huyện là 100.399 con, tăng 427 con so với trước; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh, trong tháng đã giải ngân được 1.425 triệu đồng, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được duy trì thường xuyên, thực hiện nghiêm túc việc cấp phát thuốc, chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi”.
Phát biểu quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đối với hai xã Thắng Mố và Sủng Cháng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Khánh Lâm yêu cầu: “Cấp ủy, chính quyền các xã Thắng Mố, Sủng Cháng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, công khai trong sinh hoạt Đảng, quyết tâm phấn đấu đạt 100% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; xây dựng giải pháp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về giao và thực hiện nhiệm vụ theo hướng cụ thể phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng chỉ tiêu, địa bàn thực hiện. Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào cuộc, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, phát huy tiềm năng lợi thế để tiên phong thực hiện các mô hình về phát triển kinh tế-xã hội, giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng – an ninh…”.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Minh, đồng chí Sùng Minh Sính – Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Năm 2019, huyện Yên Minh cần quan tâm lãnh đạo chỉ đạo: Thực hiện các giải pháp tăng giá trị sản phẩm thu nhập bình quân/ha cây hàng năm và đẩy mạnh sự liên kết trong phát triển kinh tế-xã hội giữa các cụm xã; lựa chọn, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với 01 số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Đổi mới việc phân bổ nguồn lực cho các địa phương theo hướng gắn với đầu điểm công việc được giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với xã, thôn phát triển toàn diện… Cấp ủy, chính quyền phải thực sự vào cuộc, quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn”.
Với ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới Yên Minh sẽ từng bước vươn lên thoát nghèo từ những mô hình triển khai thực tế từ nghị quyết đạt hiệu quả kinh tế.
Phượng Long