Huyện Tu Mơ Rông – Kon Tum: Phát triển mô hình cây dược liệu dưới tán rừng để thoát nghèo

BVR&MT – Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉn Kon Tum. Toàn huyện có 11 xã khu vực 3 thuộc diện 30a và 135. Nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chương trình, dự án phục vụ trực tiếp cho công tác giảm nghèo; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển mô hình dược liệu dưới tán rừng bước đầu đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn bảo vệ rừng.

Mô hình trông cây dược liệu sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở Tu Mơ Rông đang đem lại hiệu quả kép

Thực Nghị quyết số 08/NQ-ĐH của BCH Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV, Nhằm đưa cây dược liệu chở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp xóa đói giảm nghèo. Huyện Tu Mơ Rông đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ Đề án chế biến, phát triển cây dược liệu, liên kết vùng tạo ra chuỗi giá trị, từng bước xây dựng huyện thành vùng trọng điểm cây dược liệu để thoát nghèo.

Tu Mơ Rông có thế mạnh cây dược liệu phát triển theo điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo đó huyện Tu Mơ Rông phấn đấu phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh chở thành sản phẩm quốc gia, chủ lực giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu từ sâm Ngọc Linh.

Ngay từ những năm 1995 và giai đoạn 1997 – 2001, tỉnh Kon Tum đã chú trọng đến việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ năm 2004, tỉnh triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”. Sau nhiều năm bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích, được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kỹ thuật, người dân ở ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển trên 500ha mô hình sâm Ngọc Linh dưới tán rừng,  đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn bảo vệ rừng. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh chỉ phát triển ở những khu vực có độ cao từ 1.200 đến 2.500m so với mặt nước biển, và chỉ phát triển ở dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ phải đạt 70% trở lên, trong vùng núi thuộc quần thể Ngọc Linh. Do đó muốn trồng được sâm Ngọc Linh, dù muốn hay không điều đầu tiên là phải bảo vệ được rừng.

Tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây tích cực giữ rừng để phát triển mạnh các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây nhằm nâng cao đời sống gia đình. Đây là 2 loại cây trồng chủ lực được người dân nơi này xác định phát triển để thoát nghèo .

Từ khi phát triển sâm Ngọc Linh, đã không còn tình trạng bà con phá rừng để làm nương rẫy, nhân dân trong vùng đều có ý thức bảo vệ rừng để trồng được sâm Ngọc Linh. Theo đồng bào, mình trồng sâm nghĩa là bảo vệ rừng. Mà có rừng thì sẽ có nước; có nước thì có kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho đồng bào. Điều này đã chứng minh ưu điểm vượt trội của mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở Tu Mơ Rông vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được rừng một cách bền vững.

Hiện trên thị trường giá 1kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá với mỗi củ nặng một lạng có giá bán trên 120 triệu đồng. Bởi vậy chỉ cần trồng được loài cây đặc hữu này người dân đã cầm chắc cơ hội xóa nghèo và vươn lên làm giàu,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở huyện Tu Mơ Rông.

Kết luận Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu. Thể hiện sự tâm huyết đối với phát triển ngành dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những tinh hoa mà trời đất ban tặng cho quốc gia có 3/4 diện tích rừng núi như nước ta, nơi đã sinh ra các danh y nổi tiếng thế giới như Tuệ Tĩnh, như Hải Thượng Lãn Ông. Do đó, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng dựa trên các tinh hoa đó là trách nhiệm lịch sử, là sự khẳng định bản sắc và tinh thần dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong đó có ngành dược liệu.  Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh như Hàn Quốc đã làm với nhân sâm. Nêu lên các giá trị dinh dưỡng và hợp chất quý trong sâm Ngọc Linh, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lý do Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin chúng ta có thể đưa “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh thành “quốc kế dân sinh”, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, hiện là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và cả Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: “Công ty đã phát triển thành công vườn giống gốc sâm Ngọc Linh rộng 15 ha, để đảm bảo trồng được cây sâm phải có tán rừng, phải giữ được rừng. Môi trường là điều kiện đầu tiên phải có. Phát triển được cây sâm thì người đồng bào có thể làm giàu từ cây sâm. Từ chỗ đấy mọi người sẽ phải bảo vệ rừng và phát triển rừng. Do vậy vấn đề phát nương làm rẫy là hết sức hạn chế. Người ta ý thức rất cao vấn đề sợ mất rừng là mất sâm. Vì vậy, điều này tạo nên một lợi ích kép. Mà tôi nói không những là kép mà đến mấy kép”.

Song song với phát triển mô hình các loại cây dược liệu để từng bước xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phát triển rừng. Những năm qua, nhân dân các xã của huyện Tu Mơ Rông vẫn phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp như cà phê catimo, bời lời. Đây cũng chính là những loại cây trồng được các địa phương xác định là cây trồng chủ lực nhằm hướng đến xóa đói giảm nghèo một cách bền vững cho đồng bào.

Phượng Long