BVR&MT – Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, rất cần sự lãnh đạo nhất quản của Đảng. BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 04 tháng 11 năm 2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020″. Trong đó Quan Sơn là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo đang được các cấp ủy phát huy hiệu quả.
Tại hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lương Văn Tưởng – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh yêu cầu: huyện Quan Sơn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nhân dân có nhận thức đúng đắn và cách làm phù hợp để thực hiện nghị quyết 09 của BCD Đảng bộ tỉnh đạt kết quả cao nhất; kiện toàn lại BCĐ giảm nghèo bền vững từ huyện đến xã; cần rà soát lại các tiêu chí, tiêu chí nào chưa đạt thì tìm ra nguyên nhân và phải có biện pháp phấn đầu hoàn thành.Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xây dựng các mô hình, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Quan Sơn thoát nghèo bền vững và trở thành huyện khá trong khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa.
Nhằm đạt được kết quả về công tác giảm nghèo, cũng như vai trò về công tác lãnh đạo của Đảng, huyện Quan Sơn đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 10/4/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn về “Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của đảng viên ở cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững” trong đó khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Song song UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội như: Đề án phát triển chăn nuôi; Đề án phát triển vùng nguyên liệu, thâm canh rừng luồng; đề án phát triển du lịch cộng đồng; đề án chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Một số chính sách kích cầu như: Hỗ trợ xi măng làm đường thôn bản xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn tạp, áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH – KT phát triển chăn nuôi và sản xuất, cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh. Công tác giảm nghèo tại huyện Huyện Quan Sơn đã có những bước tiến rõ rệt, cụ thể: Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 31,4%, năm 2016, tính theo chuẩn đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 41,87%, đến năm 2018, giảm xuống còn 17,95%. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,97%, dự báo đến năm 2020 giảm xuống dưới 10%, đạt gấp đôi chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo năm 2015 đạt 5,65 triệu đồng, đến năm 2018 đạt 10,4 triệu đồng (tăng 1,8 lần); số hộ nghèo ở nhà tạm từ 727 hộ năm 2013 giảm xuống còn 400 hộ năm 2018. Đến nay có 64% tỷ lệ người nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh 51,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được từ công tác xóa đói giảm nghèo, huyện Quan Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới là: tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao, đứng thứ 2/27 huyện, thị, thành phố (chỉ sau huyện Mường Lát), nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30%, nhất là 3 bản Mùa Xuân, Xía Nọi, Khà (xã Sơn Thủy)tỷ lệ hộ nghèo chiếm 100%; nhiều hộ thoát nghèo nhưng vẫn còn nguy cơ tái nghèo; nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo hạn chế, đầu tư dàn trải; một số mô hình phát triển sản xuất thành công nhưng việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn; ý chí vươn lên thoát nghèo của nhiều người dân chưa cao, một bộ phận người nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại…
Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, đạt hiệu quả và bền vững, rất cần sự lãnh đạo nhất quán của Đảng và cần sự phát huy nội lực của người dân, nhằm khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo; đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, tiến tới hộ nghèo thoát nghèo.
Phượng Long