BVR&MT – Thời gian qua, xác định mục tiêu của chương trình xóa đói giảm nghèo cùng với xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Với cơ chế, chính sách khuyến khích được bổ sung, sửa đổi kịp thời theo hướng mở rộng đối tượng, nâng cao mức hỗ trợ. Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là huyện miền núi có địa bàn rộng, là nơi tập trung sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc Mường chiếm 83% dân số nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, ban ngành, tổ chức và bà con nhân dân trên toàn huyện, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Giảm nghèo, an sinh xã hội
Hằng năm, sau khi phê duyệt danh sách hộ nghèo trên địa bàn huyện, UBND huyện, UBND Huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phân loại xác định nguyên nhân nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, giúp các hộ thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, hộ giàu.
Các chính sách đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả như: Giải quyết cho hộ nghèo vay vốn để sản xuất; Hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; Trong giai đoạn 2011 – 2019, cấp miễn phí trên 878.000 thẻ BHYT cho người nghèo, người thuộc hộ dân tộc thiểu số, giải quyết trên 14.000 hộ nghèo vay vốn xóa đói giảm nghèo; Tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các học viên nông dân, phụ nữ…Việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã có nhiều tác động tích cực đến từng thôn, bản. Đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14, 380 triệu đồng năm 2015 lên 32,5 triệu đồng năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,08% năm 2011 xuống còn 14,77% năm 2019, ước tính đến năm 2019 giảm còn dưới 12% (tính theo chuẩn nghèo đa chiều).
Nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa cho bà con dân tộc thiểu số
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, huyện đã có nhiều giải pháp triển khai xuống địa phương để đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí về văn hóa, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Các địa phương cũng tập trung phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động như xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa. Qua các phong trào, cuộc vận động, các hộ gia đình đã đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các khu dân cư đã nâng cao ý thức, vai trò tự quản, từng bước xây dựng mô hình làng văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng nghành nghề.
An ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định
Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh, Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới” luôn được đẩy mạnh, Huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng công an xã, lực lượng nòng cốt ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn. Đồng thời, tăng cường tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh trật tự cho lực lượng nòng cốt ở cơ sở và cho người dân ở nông thôn. Qua đó, đã nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm , nguyện vọng của người dân, nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần làm tốt công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội ở nông thôn, tạo sự chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Quỳnh Anh