BVR&MT – Sáng ngày 5.6 tại UBND huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị tuyên truyền hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong chuỗi các hoạt động nhân Tháng hành động vì môi trường 2024.
Đến tham dự hội nghị có ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, ông Nguyễn Tấn Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, ông Võ Văn Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo và môi trường Tp Đà Nẵng, Thượng tá Phạm Văn Hùng – Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng Tp Đà Nẵng cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ VN), Uỷ ban nhân dân (UBND), các phòng ban ngành, đoàn thể và người dân địa phương huyện Hòa Vang.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, của Huyện ủy, HĐND huyện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Hòa Vang luôn được quan tâm. Nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động bảo vệ môi trường từng bước được xã hội hóa, huy động sự tham gia đông đảo của các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và của cả cộng đồng tại địa phương góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị loại IV. Nhiều mô hình, phong trào về bảo vệ môi trường đã và đang triển khai hiệu quả, tạo sự lan tỏa tại huyện Hòa Vang như: Mô hình 3 sạch; Mô hình “mái nhà xanh” thu gom rác tái chế, tái sử dụng; Mô hình thùng rác văn minh; Mô hình Câu lạc bộ môi trường của Hội Cựu chiến binh; Mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng ruộng của Hội nông dân; Phong trào trồng cây xanh bảo vệ môi trường; Phong trào thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường của Đoàn thanh niên; Phong trào ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp,…
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc bảo vệ môi trường và việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhất định như: Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hệ thống thoát nước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính khớp nối; Nhiều khu vực ngập úng thường xuyên vào mùa mưa do chưa khớp nối hạ tầng; Nước thải sinh hoạt dân cư phát sinh chưa được thu gom, xử lý trước khi xả trực tiếp vào môi trường; Một số nghĩa trang, nghĩa địa với hình thức địa táng, rải rác, xen kẽ trong khu dân cư, không tập trung có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường; Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng xả nước thải, vứt rác và xác súc vật bừa bãi, không đúng nơi quy định; Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch còn tiếp diễn; Tình trạng dùng xung điện chích bắt cá trên ao, hồ, sông suối… Việc trồng và nhất là quản lý và chăm sóc cây xanh cần tập trung hơn nữa. Vẫn còn tình trạng bỏ hoang đất sản xuất trên địa bàn;…
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, các ban, ngành, đoàn thể và các xã trên địa bàn huyện cần phải tiếp tục hành động thiết thực như: Tập trung tăng cường và đổi mới trong công tác truyền thông, đa dạng các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, mạng xã hội, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường đối với sự sống và phát triển của chúng ta; Ứng xử bền vững, hài hòa với thiên nhiên; Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện có chuyển biến tích cực, hiệu quả các công việc cụ thể theo lộ trình, kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng Huyện Hòa Vang – Huyện môi trường” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát, hướng dẫn khai thác sử dụng gắn với chú trọng bồi bổ đất đai trên địa bàn huyện một cách hợp lý; Khắc phục hiệu quả tình trạng bỏ hoang đất trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng cây xanh che phủ đồi núi để chống xói mòn, chống rửa trôi đất; tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh để lấy bóng mát, tạo cảnh quan trên địa bàn theo lộ trình, kế hoạch và thực tế ở địa bàn các xã. Trong đó, cần chú trọng việc bảo vệ, theo dõi, chăm sóc cây xanh một cách bài bản, hiệu quả. Quan tâm hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Duy trì và thực hiện nhân rộng các các mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường của các đơn vị, tổ chức, các đoàn thể chính trị xã hội, trường học, y tế, các xã. Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiệu quả hơn nữa, phấn đấu đến cuối năm 2024 cơ bản các hộ gia đình trên địa bàn huyện thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn đảm bảo theo quy định; Đẩy mạnh việc thực hiện ủ phân compost tại hộ gia đình từ rác thải hữu cơ và các ứng dụng từ rác tái chế; Khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống; Hạn chế sử dụng túi ni lông hay sản phẩm nhựa dùng một lần góp phần giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa.
Phát huy hiệu quả và chiều sâu trong phong trào Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp; Chủ động xử lý những điểm nóng về rác, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; Kịp thời tiêu độc khử trùng, xử lý lăng quăng, bọ gậy, phòng chống dịch bệnh phát sinh. Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có kế hoạch thường xuyên xử lý chất thải, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng dùng xung điện, dùng hóa chất, chất nổ để đánh bắt cá, thủy sản trái phép trên địa bàn.
Thực hiện quy định, hương ước về văn hóa, văn minh trong việc tang, lễ hội; Không đốt vàng mã khi đưa tang, không đặt để vật thờ cúng ra ngã ba, ngã tư đường; Tuyên truyền, vận động người dân từng bước thực hiện hỏa táng thay cho hình thức địa táng truyền thống như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, chú trọng tiếp tục phát động mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực hơn nữa các phong trào thi đua, khuyến khích xã hội hóa về môi trường, khuyến khích các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm sạch khuôn viên nơi ở, thu gom xử lý chất thải, rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; Phong trào nông dân nói không với bỏ hoang đất; phong trào trồng và chăm sóc cây xanh, trồng hoa vườn nhà, khuôn viên công sở, trường học, đơn vị, khu vực công cộng và ở mỗi cộng đồng dân cư; Khuyến khích nhân rộng mô hình “mái nhà xanh” ở các khu dân cư, …. Kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ môi trường; Vinh danh, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, cộng đồng có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng trên địa bàn huyện.
Môi trường luôn gắn bó với sự sống và phát triển của con người, khi môi trường bị ô nhiễm thì cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa. Việc nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường là vô cùng cấp thiết đối với mọi người, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Tất cả chúng ta hãy cùng hành động để bảo vệ môi trường. Đó là trách nhiệm chung không chỉ của riêng ai. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và các thế hệ mai sau.
Hồng Sơn