Huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang về đích nông thôn mới

BVR&MT – Niềm vui mừng như nhân đôi với người dân tình của tỉnh Hậu Giang khi là huyện về đích Nông Thôn Mới (NTM) đầu tiên, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng huân chương lao động hạng ba. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện lại càng phấn khởi thi đua học tập, lao động, công tác lập công trong ngày Lễ công nhận danh hiệu huyện NTM ngày cuối năm 2019.

Để đạt được danh hiệu cao quý trên là cả kết quả của quá trình đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị Hậu Giang từ huyện đến cơ sở; mặc dù sự nhận thức cũng như đồng thuận của người dân vùng nông thôn ở Châu Thành A còn nhiều khó khăn.

Lễ công nhận huyện Châu Thành A đạt chuẩn NTM.

Châu Thành A là huyện được chia tách từ huyện Châu Thành cũ (tỉnh Cần Thơ) và hiện thuộc địa giới tỉnh Hậu Giang từ năm 2001. Một trong những khó khăn lớn nhất khi mới thành lập huyện là cơ sở hạ tầng thấp kém, các tuyến giao thông đường bộ xuống cấp nghiêm trọng; hệ thống đê bao thủy lợi không đảm bảo. Thêm vào đó tập quán canh tác của người dân còn manh mún, nhỏ lẽ; không thay đổi kịp thời cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đội ngũ cán bộ vừa yếu lại vừa thiếu chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của một huyện vùng sâu.

Những động thái đầu tiên của huyện Châu Thành A trong công cuộc xây dựng NTM đó là chuẩn bị cụ thể các bước quy hoạch xây dựng, đặc biệt là ở các khu kinh tế trọng điểm, trọng tâm. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn từ huyện đến các xã, thị trấn để đảm bảo các phương tiện đi lại qua các địa bàn được thuận tiện, dễ dàng. Một thành công đáng tự hào trong xây dựng NTM, đó là đến nay toàn bộ người dân đều có điện sinh hoạt và sử dụng điện an toàn làm đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nông dân Châu Thành A thu hoạch bưởi.

Song song đó, Châu Thành A đã đầu tư đúng mức và đạt chuẩn về xây dựng bệnh viện hạng 3 theo quy định; Trung tâm Văn hóa Thể thao và có trên 85% trường PTTH đạt chuẩn cấp quốc gia. Ngoài ra, bằng sự quyết tâm cao độ, Châu Thành A đã hình thành 5.000 ha đất trong vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung lúa cao sản, rau màu, cây ăn trái chất lượng cao gắn với việc tiêu thụ, chế biến nông sản tại chỗ. Cạnh đó 100% trạm y tế tuyến xã, thị trấn đều đạt chuẩn cấp quốc gia. Nhiều bệnh viện tư nhân quy mô lớn đóng trên địa bàn góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân là: bệnh viện trường Đại Học Võ Trường Toản, bệnh viện số 10, 1 trường đại học, 1 trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú và nhiều trường đạt chuẩn cấp quốc gia.

Đường giao thông nông thôn ở Châu Thành A giúp cho người dân di chuyển thuận tiện và dễ dàng hơn trước kia.

Trong quá trình triển khai, xây dựng NTM, huyện Châu Thành A đã có bước đột phá quan trọng đó là cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi mang tính tập thể với những loại nông sản phù hợp với thổ nhưỡng, với tập quán canh tác, phù hợp với xu thế phát triển của thương trường trong và ngoài nước. Đồng thời, huyện đã liên kết chặt chẽ với các khoa của trường Đại Học Cần Thơ để xây dựng nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả như: trồng xoài cát Hòa Lộc, nhãn IDO, cam sành, vú sữa Lò Rèn, chanh không hạt, nuôi cá, ba ba, trồng sen, rau Nhúc, rau màu trên đất ruộng… Các mô hình đa năng đã phát huy hiệu quả mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nhiều hộ dân. Đến cuối tháng 12/2019, tỉ lệ hộ nghèo ở Châu Thành A dưới 3%.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Tiêu Thị Tú,78 tuổi ngụ ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi chia sẻ: “Hồi trước đi đâu cũng phải di chuyển bằng ghe xuồng, bởi không có đường sá gì. Người dân có lúa thóc, trái cây gì cũng bán đổ bán tháo vì không thể vận chuyển ra ngoài đường lớn để buôn bán. Bởi vậy, thường bị các “bạn hàng” ép giá. Bây giờ đường sá cầu cống bự chà bá, người dân đi lại thoải mái luôn”, bà cười rất tươi.

Không chỉ vậy, trong thời gian qua huyện Châu Thành A cũng tập trung rất lớn cho công tác dạy nghề cho các lao động nông thôn. Mỗi năm, hàng ngàn lao động được đào tạo tại chỗ đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các Khu công nghiệp lớn đóng trên địa bàn như xã Tân Phú Thạnh, Thị trấn Cái Tắc, Rạch Gòi. Cách làm này đã góp phần giảm nghèo căn cơ, phát triển kinh tế bền vững cho người lao động. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm này thu nhập bình quân đầu người ở Châu Thành A đã vượt qua con số 50 triệu đồng. Một con số đầy sức thuyết phục và ấn tượng.

Dâu Hạ Châu phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân ở Châu Thành A.

Ông Thái Hoàng Tám, ngụ xã Trường Long A vui vẻ kể: “Nhờ áp dụng mô hình nuôi ba ba giống kết hợp trồng mãng cầu xiêm, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 1 tỷ đồng, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa như trước đây”.

Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh về địa hình, huyện đã phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn gắn với với loại hình đờn ca tài tử. Ngoài công viên du lịch tại xã Tân Phú Thạnh có tầm vóc quốc tế, các xã, thị trấn còn lại đều có nhiều điểm tham quan du lịch khá lý tưởng.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ xây dựng NTM mà Châu Thành A đã và đang trải qua những khoảng thời gian vất vả để về đích là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.

NTM Châu Thành A hôm nay đã mang lại cuộc sống, diện mạo tốt hơn cho chính mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Trương Thanh Liêm