Hủy hoại môi trường là tội ác chống lại cộng đồng!

Hủy hoại môi trường là tội ác chống lại cộng đồng!

BVR&MT – Từ bài học cá chết ở Vũng Áng cùng nguy cơ hủy hoại môi trường khi chính quyền địa phương coi trọng vấn đề kinh tế, buông lỏng quản lý đối với doanh nghiệp như trường hợp nhà đầu tư dự án JA Solar tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang cho thấyviệc hủy hoại môi trường có thể coi là “tội ác” và cần có hình thức xử phạt mạnh tay để răn đe!

Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cùng lực lượng biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Như báo chí đã đưa tin, vừa qua, dự án JA Solar chuyên sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thuộc Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam, tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng đã khởi công. Nguy hiểm hơn, dự án này chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt phương án đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng lại được tỉnh cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời như doanh nghiệp (DN) JA Solar …chứa đựng nhiều rủi ro gây ô nhiễm môi trường. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, khả năng gây ô nhiễm môi trường tiềm ẩn ở một số giai đoạn chế tạo pin năng lượng mặt trời là điều hiển nhiên.

Thông tin từ Bộ TN&MT cho thấy, Bộ mới chỉ nhận được ĐTM của DN từ tháng 2/2017 và dù đã yêu cầu DN bổ sung thông tin nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ĐTM hoàn chỉnh.

Được biết, dự án của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư 6.235 tỷ đồng, tương đương 280 triệu USD. Với diện tích sử dụng đất khoảng 20ha, dự kiến dự án bắt đầu đưa vào hoạt động giai đoạn một từ tháng 5/2017. Đây là dự án thuộc diện phải xin chủ trương của Thủ tướng. Tuy nhiên, ngày 27/11/2016, thời điểm Chính phủ chưa chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng tỉnh Bắc Giang đã đồng ý cho nhà đầu tư khởi công.

Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 3/2017, ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã nhận trách nhiệm với vai trò là Chủ tịch tỉnh khi để xảy ra sự việc nêu trên. Đồng thời, người đứng đầu tỉnh này cũng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ yêu cầu Công ty TNHH JA Solar  sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết, trong đó quan trọng nhất là ĐTM để tiếp tục xây dựng.

Không chỉ DN Ja Solar Việt Nam tại Bắc Giang, mới đây Bộ Công thương đã chỉ ra hàng loạt nhà máy làm ảnh hưởng đến môi trường. Một số doanh nghiệp thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường trong ĐTM đã được phê duyệt mà chưa thông báo cho cơ quan phê duyệt ĐTM biết, hoặc đã thông báo nhưng chưa được chấp thuận nhưng đã triển khai thực hiện như Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Duyên hải 1. Có doanh nghiệp chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước như Nhiệt điện Duyên hải 1. Một số doanh nghiệp chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước: Nhiệt điện Duyên hải 1, Nhiệt điện Hải phòng, Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp (PTSC) Quảng Bình, PTSC Đà Nẵng, PTSC Dung Quất, Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau – PVN, Nhà máy đóng tàu Dung Quất – PVN…

Theo báo cáo năm 2016, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 17.622 vụ vi phạm, tăng gần 28% so với năm 2015. Đây là con số đáng lo ngại, khi các vụ vi phạm về môi trường năm sau cao hơn năm trước. Đa số các vụ vi phạm đều liên quan đến việc lập ĐTM, một khâu quan trọng trong hoạt động công nghiệp. Thực trạng trên cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ở nước ta.

Câu chuyện về dự án đầu tư vừa qua hủy hoại môi trường lại một lần nữa khẳng định, những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường thường rất khó khắc phục, có những hậu quả gần như không khắc phục được, hoặc phải mất nhiều chi phí và trong một thời gian rất dài. Trong các dự án đầu tư, chúng ta thường không đánh giá hết được cái giá phải trả cho môi trường nếu xảy ra ô nhiễm và chỉ đến khi xảy ra rồi mới thấy hậu quả có thể lớn đến chừng nào!

Nghiêm trọng hơn, việc lập ĐTM hiện vẫn bị hành xử như một thủ tục nhằm hợp thức hóa quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án, hoạt động đầu tư. Nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường và xã hội đã xảy ra do các yêu cầu về ĐTM bị làm ngơ hoặc không được thực hiện nghiêm chỉnh. Hơn nữa, những khung hình phạt cho chủ đầu tư, DN cố ý không lập ĐTM hoặc làm cho có lệ vẫn chưa được quy định rõ ràng. Câu hỏi “hình phạt nào cho DN “né” ĐTM và những cá nhân, tổ chức liên đới gây hủy hoại môi trường vẫn chưa được trả lời thỏa đáng!

Theo các chuyên gia phản biện, bên cạnh năng lực và kiến thức, người lập báo cáo ĐTM và chủ dự án cần phải ý thức được lương tâm, trách nhiệm của mình về bảo vệ môi trường và an sinh xã hội của người dân hiện tại và mai sau. Quy định luật pháp có thể không ràng buộc được lương tâm của người lập báo cáo ĐTM, nhưng các chế tài về cam kết chất lượng và sự trung thực của báo cáo ĐTM cần được áp dụng triệt để.

Bởi vậy, việc lập ĐTM đối với DN, chủ đầu tư khi đi vào hoạt động là cần thiết hơn bao giờ. Hiện nay, việc lập ĐTM được hiểu là xem xét các ảnh hưởng qua lại giữa môi trường trong hoạt động phát triển kinh tế với các chính sách, các chương trình và các dự án công nghiệp. ĐTM sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra các lựa chọn những phương án khả thi, tối ưu về kinh tế, kỹ thuật trong bất cứ một kế hoạch phát triển nào. Mỗi ĐTM cần xem xét các ảnh hưởng đối với sức khỏe của con người, hệ sinh thái, khí hậu và khí quyển trong suốt quá trình thiết kế, thực hiện và vận hành của dự án. Tuy nhiên, việc lập ĐTM hiện nay ở không ít DN, cơ sở sản xuất công nghiệp còn hạn chế, được thực hiện một cách chiếu lệ; thậm chí có DN còn “né” việc lập ĐTM.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện chiến lược Chính sách và Tài nguyên môi trường cho biết, theo quy định trước khi có dự án đơn vị đã phải lập ĐTM. Trong khi lập ĐTM, Bộ TN&MT sẽ phân ra từng loại dự án và mức độ đánh giá dự án. “Nếu cứ đánh giá chung mà không có điều tra, nghiên cứu là rất khó. Hiện nay, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng cục Môi trường được giao thực hiện việc kiểm tra, đánh giá ĐTM. Để quản lý việc lập ĐTM ngay từ khâu đầu cũng như khâu hậu kiểm hiệu quả phải thực thi Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và các Nghị định đã ban hành. Trong từng trường hợp cụ thể nên có những hướng dẫn và kiểm tra cụ thể rồi giải quyết những tồn tại. Cách giải quyết tồn tại là khi các đơn vị có ĐTM phải xem xét, kiểm tra báo cáo đó và có bổ sung. Những bổ sung đó phải dựa trên quy định của Luật quy định, để các DN, nhà đầu tư có thời gian, có điều kiện, và cơ hội khắc phục”, ông Chinh cho biết.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia môi trường cho rằng, để một hành vi hủy hoại môi trường trở thành một tội ác chống lại cộng đồng, thì chắc chắn phải vượt khỏi giới hạn của một hành vi phá hoại môi trường bình thường ở cả 3 góc độ là: mức độ nghiêm trọng; phạm vi ảnh hưởng, mức độ tác động đến con người; và số lượng người bị ảnh hưởng. Vì thế, hủy hoại môi trường cũng có thể được xem là tội ác chống lại cộng đồng. Bởi vậy, việc “hình sự hóa” các vụ án gây ô nhiễm môi trường cho thấy rõ ràng tội ác gây ra thảm họa môi trường có tính chất nghiêm trọng gây tổn hại đến sự sống người dân. Trên bình diện quốc tế thì việc coi tội phạm gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường là tội phạm hình sự sẽ buộc các doanh nghiệp có ý thức hơn trước khi phạm tội, vì khung hình phạt khi phạm tội chắc chắn sẽ cao hơn.

Nói về vấn đề đầu tư và môi trường tại một hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Bộ trưởng cũng cho rằng, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra là bài học để các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy. “Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

BL/ http://dangcongsan.vn/phap-luat/huy-hoai-moi-truong-la-toi-ac-chong-lai-cong-dong-433936.html