BVR&MT – Mùa Xuân này, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Gia Lai phấn khởi bởi vườn cây ăn trái của gia đình được giá, được mùa. Những mô hình này được hình thành từ việc tích cực chuyển đổi diện tích sắn, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Đinh Thai, người dân tộc Bahnar, ở làng Pơ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là một điển hình trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiên phong trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền tham gia công tác hội nông dân của xã, ông Đinh Thai đã được tiếp cận nhiều cái hay, cái mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi. Năm 2019, ông Đinh Thai quyết định chuyển đổi gần 1 ha đất trồng sắn sang trồng ổi xen canh mít, nhãn, chuối.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn, ông Đinh Thai cho biết, thấy nhiều người Kinh trên địa bàn trồng cây ăn trái mang lại thu nhập ổn định nên ông cũng có ý định chuyển đổi cây trồng. Sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi và được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Gia Lai cho vay 30 triệu đồng, cùng với số tiền gia đình tích cóp hơn 70 triệu, ông đầu tư làm đường ống nước, cải tạo đất, mua giống, thuốc, phân bón để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Chuẩn bị xong về kinh phí và kiến thức trồng trọt, ông mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha sắn kém hiệu quả sang trồng cây ổi, mít, nhãn, chuối.
Sau ba năm cần cù, chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn trái của gia đình ông Thai có chất lượng tốt, nhiều loại cây cho quả quanh năm. Ước tính, mỗi tháng gia đình ông thu trên 6 triệu tiền từ trồng ổi và khoảng 5 triệu đồng từ các cây trồng khác như mít, nhãn, chuối. Số tiền thu được từ cây ăn trái đủ trang trải cuộc sống gia đình, lấy ngắn nuôi dài. Ngoài 1 ha cây ăn trái, gia đình ông còn có 4 ha mía, mỗi vụ cho thu nhập khoảng 200 triệu/năm. Nhờ linh hoạt trong cách làm kinh tế, gia đình ông Thai trở thành một trong những hộ làm kinh tế điển hình của xã Kông Lơng Khơng. Năm 2021, gia đình ông xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 450 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Cùng chung ý tưởng, anh Đinh Mai Lê, người dân tộc Bahnar ở làng Mơ Hven-Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cũng là một điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, anh Lê cùng một vài hộ người Kinh rủ nhau cùng góp vốn để trồng 1,4 ha cây ăn trái gồm hồng xiêm, ổi đỏ không hạt, chanh không hạt. Đây cũng là mô hình điểm được Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) chọn để hỗ trợ kỹ thuật và liên kết đầu ra với các thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trần Thị Cảm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công cho biết, với mục đích tìm hướng đi mới cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vươn lên phát triển, xóa đói giảm nghèo, Hợp tác xã đã chọn mô hình trồng cây ăn trái của nhóm hộ sản xuất của anh Đinh Mai Lê làm mô hình điểm để hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng để cho chất lượng trái tốt. Ngoài ra, Hợp tác xã liên hệ với kênh cung cấp phân phối phân bón, giống cây để giúp các hộ liên kết tiết kiệm được chi phí. Hợp tác xã chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Từ đó, Hợp tác xã mở thêm mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn để kết nối các tour du lịch vào vườn tham quan, trải nghiệm, tiêu thụ trái cây sạch tại vườn.
Không chỉ có ổi, chuối, nhãn, gia đình anh Triệu Văn Hòa, người dân tộc Tày, ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang còn là người đi đầu trong việc trồng giống dứa mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tham quan, học hỏi các mô hình chuyển đổi cơ cấu câu trồng, năm 2020, gia đình anh tiến hành trồng thử nghiệm 100 trái dứa mật, giống dứa to, mọng, nhiều nước với giá bán cao. Vụ đầu tiên trồng thử nghiệm cho hiệu quả tốt, giữa năm 2021 gia đình anh Hòa đã chuyển đổi 5 sào bạch đàn sang trồng dứa. Hiện tại những trái dứa đang mùa thu hoạch, người dân ở vùng lân cận và các cơ sở thu mua đã đến đặt hàng hết số lượng dứa anh trồng.
Những mô hình chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đang cho hiệu quả kinh tế cao tại huyện Kbang, mang lại đời sống mới cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn nhưng sau đó là những ngày hái quả ngọt góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số tại vùng đất khó Kbang.
Đến Kbang dịp đầu Xuân, nhiều vùng đồi trọc giờ đã được phủ xanh màu cây trái, bà con phấn khởi chào đón một năm mới 2022 với nhiều hy vọng. Một mùa Xuân mới đang đến, tiếng nói cười rộn ràng của đồng bào, từng khu vườn xum xuê cây trái báo hiệu một năm mới ấm áp, vui tươi, đời sống thêm cải thiện.