BVR&MT – Thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở tại Hưng Yên đã và đang bước đầu được củng cố và nâng cấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị y tế được chú trọng đầu tư. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được đặc biệt quan tâm và ngày càng được cải thiện.
Cùng với quá trình phát kinh tế – xã hội, lĩnh vực môi trường tại địa phương cũng chịu áp lực lớn, đối mặt với nhiều thách thức. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát vì thế công tác Quản lý của ngành y tế về chất thải y tế trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Theo Sở Y tế Hưng Yên, hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều thực hiện phân loại, thu gom, quản lý và xử lý chất thải y tế theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 01/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở y tế công lập được lưu chứa trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị đảm bảo theo quy định: Bao bì (túi), dụng cụ (thùng, hộp, can), thiết bị lưu chứa chất thải y tế bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, chống rò rỉ và có kích thước phù hợp với lượng chất thải. Đặc biệt, trên bao bì, dụng cụ, thiết bị phải có tên loại chất thải lưu chứa và biểu tượng theo quy định; có nắp đóng, mở thuận tiện trong quá trình sử dụng, có thể tái sử dụng sau khi đã được làm sạch và khử khuẩn. Hơn nữa, dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng, kháng thủng, miệng thùng, dụng cụ được thiết kế an toàn tránh tràn đổ, rơi vãi chất thải ra bên ngoài; dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín, chống được sự xâm nhập của các loài động vật.
Các loại chất thải rắn y tế nguy hại được phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Sau đó, được thu gom theo luồng, đảm bảo hạn chế nhất ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở y tế công lập được thu gom, xử lý gần đạt 100% tổng lượng phát sinh. Cùng với đó, các cơ sở y tế đều ký hợp đồng với Công trình đô thị và Công ty URENCO 11 trong việc vận chuyển rác thải y tế nguy hại và rác thải sinh hoạt đến khu xử lý tập trung.
Hiện tại có 14 cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế cụ thể như sau: BVĐK tỉnh, BV Phổi, BV Tâm thần kinh, BVĐK Phố Nối, BVYD cổ truyền, Bệnh viện Mắt, BV bệnh Nhiệt đới, Trung tâm y tế huyện: Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi, Văn Lâm, Khoái Châu, Văn Giang. Trung tâm Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Các cơ sở y tế còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế theo quy định.
Xác định công tác quản lý chất thải y tế, xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch- Đẹp, bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy, thời gian tới ngành y tế Hưng Yên tích cực triển khai cho các đơn vị y tế trong ngành thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị y tế trong ngành đã triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế theo chỉ đạo của Sở Y tế như: thực hiện tốt công tác xử lý chất thải y tế, rà soát, đánh giá thực trạng nguồn, số lượng phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, chủ đơn vị cung cấp dịch vụ tại đơn vị; báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
Phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa” do Sở Y tế Hưng Yên phối hợp với Công đoàn ngành phát động được các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã làm thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành y tế, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về kinh phí để thực hiện xin cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020; Không có nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc duy trì, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải y tế; Việc cập nhật kiến thức bảo vệ môi trường của các cán bộ ngành y tế còn hạn chế.
Đỗ Nghị