BVR&MT – Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế đã tạo động lực cho bà con xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình triển khai một số mô hình kinh tế, phát triển đa dạng, đạt hiệu quả cao từ việc kết hợp mô hình trồng trọt và chăn nuôi, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Là một xã vùng núi của tỉnh Hòa Bình, xã Hợp Kim nằm trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với kinh tế chủ đạo vẫn là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong nhiều chính sách cùng sự quan tâm của các ngành, các cấp và tinh thần quyết tâm của cán bộ, nhân dân, năm 2017 Hợp Kim đã đạt danh hiệu Nông thôn mới, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững bằng nhiều mô hình kinh tế kết hợp đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho kinh tế địa phương.
Mô hình kết hợp trồng cây ngắn ngày với dài ngày
Qua sự giới thiệu của ông Quách Anh Tuấn – Chủ tịch xã Hợp Kim, phóng viên tìm đến trang trại của gia đình chị Xiên ở xóm Trò, xã Hợp Kim có diện tích hơn 500 m² được quy hoạch hợp lý và khoa học với mô hình kết hợp cây ăn quả ngắn ngày và dài ngày. Khu chăn nuôi gà, lợn, thỏ… được xây dựng ở ngay bên cạnh, nhưng không hề có mùi hôi. Trang trại của gia đình chị là kết quả từ nguồn hỗ trợ vay vốn từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hộ dân nhằm đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.
Chị Xiên chia sẻ, trong thời gian đầu xây dựng mô hình, do hiểu biết còn hạn chế về giống, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây trồng vật nuôi nên gia đình chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đến nay, sau mấy năm triển khai mô hình và ham học hỏi cũng như được xã giới thiệu các lớp tập huấn về nuôi trồng, chăm sóc vật nuôi gia đình chị đã dần xây dựng nên mô hình kinh tế như hiện nay. Đó là kết hợp các cây trồng cho thu hoạch dài ngày và ngắn ngày đan xen nhau trên cùng mảnh đất của gia đình. Chị trồng kết hợp 150 gốc cây nhãn, dự kiến cho thu khoảng khoảng 300 triệu đồng/vụ; 50 cây bưởi; 60 gốc cây chanh đào xen với đu đủ, vài chục cây chuối Tiêu hồng.
Không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trang trại của gia đình, chị Xiên cũng chia sẻ thêm, nhờ được cán bộ địa phương tư vấn, hướng dẫn, chị đã xây dựng khu chăn nuôi đầu tư theo mô hình trang trại tập trung và ứng dụng kỹ thuật đệm lót sinh học để đem lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi hơn 100 con gà thả vườn lấy thịt và nuôi lợn thương phẩm.
Nguồn vốn hỗ trợ còn hạn hẹp
Nhận xét về mô hình chăn nuôi của gia đình chị Xiên, ông Quách Anh Tuấn – Chủ tịch xã Hợp Kim cho biết, mô hình kinh tế của gia đình chị Xiên đã được hỗ trợ một phần vốn từ nguồn ngân sách của nhà nước để phát triển kinh tế, tuy quy mô không quá lớn song đã đem lại hiệu quả cao, đặc biệt với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây đã tạo công ăn việc làm cho các lao động trong gia đình với một nguồn thu nhập khá cao và ổn định cải thiện cuộc sống là mô hình điển hình cần được nhân rộng giúp bà con ở địa phương vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh những thuận lợi về nguồn vốn, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, người dân cũng gặp phải không ít khó khăn khi triển khai các mô hình phát triển kinh tế. “Ở địa phương, người dân chủ yếu làm kinh tế nông nghiệp, vì thế việc phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương là điều quan trọng và thiết thực. Mặc dù vậy, với nguồn ngân sách nhà nước có hạn, xã phải xem xét, cân đối cho các hộ nghèo, cận nghèo để có sự hỗ trợ hợp lý.
Với những hộ gia đình có mong muốn vay vốn, Nhà nước hỗ trợ từ 30 đến 40 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế. Do đó với những hộ muốn mở rộng trang trại hay phát triển kinh tế lớn thì ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ vẫn phải vay thêm từ phía các ngân hàng hay từ các nguồn vay khác”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Ngoài khó khăn về công tác tiếp cận với nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì việc quan tâm tới đầu ra của sản phẩm cũng là điều mà bà con nông dân lo ngại. Theo chị Xiên, gia đình chị chủ yếu bán theo hình thức online và giao bán tại nhà. Tuy nhiên, với số lượng lớn nông sản thu được thì gia đình cũng mong muốn có thể kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để ổn định được giá cả và không lo về nguồn ra của sản phẩm.
Có thể thấy, từ khi triển khai và áp dụng khoa học kỹ thuật, người nông dân xã Hợp Kim đã có bước tiến mới trong việc chăn nuôi và trồng trọt xen kẽ các giống cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần mở rộng mô hình mang lại hiệu quả cho bà con nông dân học hỏi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần mở thêm các lớp tập huấn, phổ biến rộng rãi các kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng và vật nuôi cho bà con, qua đó từng bước đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Văn Trì – Thạch Thảo