Hơn 530 tỷ đồng phát triển thủy sản bền vững tại 4 huyện ở Cà Mau

BVR&MT – Nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững giai đoạn 2026-2029, tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư Dự án phát triển thủy sản bền vững với quy mô 100 ha, dự kiến triển khai tại 4 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (ảnh tư liệu).

Tổng mức đầu tư dự án là 536 tỷ đồng (tương đương 23,1 triệu USD), trong đó nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (vay IBRD) là 390,2 tỷ đồng, tương đương 16,8 triệu USD; trung ương cấp phát hơn 273 tỷ đồng; tỉnh Cà Mau vay lại hơn 117 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 145,8 tỷ đồng.

Dự án sẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản. Cụ thể là xây dựng, nâng cấp cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, bao gồm các hạng mục mở rộng chiều dài cầu tàu, nạo vét trước cảng, nhà phân loại có mái che và trang bị 2 tàu, 2 ca nô phục vụ công tác quản lý khai thác hải sản.

Trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản sẽ đầu tư phát triển về hạ tầng. Trong đó, tỉnh đầu tư hạ tầng, tạo cơ sở để xây dựng vùng nuôi tôm an toàn sinh học và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân. Ngoài ra, dự án còn nâng cao năng lực quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau- Lâm Văn Bi cho biết: Dự án nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất. Đặc biệt, dự án này đã được các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhà tài trợ đề xuất.

Dự án đề ra mục tiêu cụ thể, đó là đầu tư bờ bao chống tràn kết hợp lộ giao thông nông thôn; hỗ trợ áp dụng cải tiến kỹ thuật sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, môi trường theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu nâng để nâng cao năng suất tại 3 vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Tân Đức, xã Tạ An Khương Đông thuộc huyện Đầm Dơi; xã Đông Thới huyện Cái Nước; xã Phú Tân, xã Phú Mỹ thuộc huyện Phú Tân.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu cập cảng của tàu cá; áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực cảng cá Cảng cá Rạch Gốc; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); quản lý phát triển các Khu bảo tồn biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau – Trần Công Khanh, Cà Mau là tỉnh địa cầu cực Nam Tổ quốc, vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông và biển Tây, ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều đã tạo ra cho Cà Mau có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản đó là diện tích ngư trường diện tích nuôi thủy sản rộng lớn.

Tỉnh xác định rõ kinh tế thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, luôn quan tâm chỉ đạo để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn chế nên sự phát triển kinh tế thủy sản của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.

Kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Cà Mau của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho thấy, Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Cà Mau là dự án có tính chất quan trọng, giúp giải quyết những khó khăn, thách thức đối với ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Việc được triển khai dự án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và điều kiện sống cho hàng ngàn lao động nghề cá và các đối tượng làm việc trong lĩnh vực có liên quan thông qua các hoạt động giúp gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản, thúc đẩy hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.

Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Cà Mau được đề xuất phù hợp với Chiến lược thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với mục tiêu Chiến lược Hợp tác Quốc gia (CPS) của Ngân hàng Thế giới (WB) – dự kiến đây sẽ là nhà tài trợ chính cho dự án, đáp ứng các mục tiêu phát triển của Chính phủ Việt Nam về phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, hội nhập quốc tế.

Trước đó, tại Kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau lần thứ 14 (khóa X), nhiệm kỳ 2021 – 2026 (diễn ra từ ngày 10-11/7), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Cà Mau, để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.