BVR&MT – Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong bảy ngày, từ ngày 23-29/6 với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu.
Thành phần tham dự kỳ họp gồm có các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị-xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự kiện là dịp để các bên liên quan cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.
Theo dự kiến, kỳ họp GEF6 được tổ chức với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp GEF6; phiên họp của Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị – xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp); các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm…
Ngoài ra, kỳ họp GEF6 cũng sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018-2022).
Đến nay, đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD (mỗi USD tương đương gần 23.000 đồng) cho chu kỳ 7 của GEF nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức kỳ họp GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững.
Kỳ họp GEF6 còn truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, kỳ họp GEF6 cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: Ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.