BVR&MT – Qua 8 kỳ tổ chức với gần 1.000 đề tài, giải pháp của các tác giả, nhóm tác giả tham gia, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh đã trở thành sân chơi bổ ích, hội tụ trí tuệ của nhân dân toàn tỉnh. Nhiều sáng kiến, giải pháp, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đưa phong trào nghiên cứu, ứng dụng KHCN ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa.
Được phát động lần đầu tiên vào năm 2007, đến nay Hội thi STKT tỉnh đã trở thành “sân chơi” quen thuộc với những người đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Qua 8 lần tổ chức, Hội thi đã thu hút gần 1.000 giải pháp dự thi ở nhiều lĩnh vực, có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm.
Nhiều giải pháp không những đoạt giải thưởng cao tại Hội thi STKT tỉnh, mà còn đoạt giải thưởng tại Hội thi STKT toàn quốc. Tiêu biểu là giải pháp “Sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ thay thế năng lượng điện cho các thiết bị tại Công ty CP Than Núi Béo – Vinacomin” của nhóm tác giả Công ty CP Than Núi Béo, đoạt giải nhất Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 14 (năm 2016-2017); các đề tài “Ứng dụng điều trị triệt đốt các rối loạn nhịp tim qua đường ống thông bằng sóng có năng lượng tần số radio (RF)” của nhóm tác giả Bệnh viện Đa khoa tỉnh, “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong điều trị vô sinh tại Quảng Ninh” của nhóm tác giả Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đều đoạt giải ba Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 14; giải pháp “Máy tập cầu lông XQB” của tác giả Nguyễn Xuân Quý (TP Uông Bí), đoạt giải ba Hội thi STKT lần thứ 15 (2018-2019).
Tham gia Hội thi STKT tỉnh lần thứ 8, Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh đã sớm phát động, thông báo thể lệ Hội thi đến toàn bộ giáo viên, sinh viên nhà trường; khích lệ các giáo viên phối hợp, hướng dẫn học sinh, sinh viên lên ý tưởng, triển khai đề tài tham gia. Qua đó, đã thu hút được 7 tác giả, nhóm tác giả đăng ký dự thi với 7 đề tài, giải pháp…
Anh Nguyễn Trọng Thanh, giảng viên môn Tự động hóa, Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Đến với Hội thi lần này, tôi và nhóm tác giả đã mang đến mô hình “Bàn thực hành PLC S7-1200 và HMI Weintek”. Mô hình này được hình thành từ hoạt động thực tiễn giảng dạy của tôi ở bộ môn điện công nghiệp, qua đó giúp sinh viên có thể hình dung và tiếp cận được tổng thể những công việc cần thực hiện để hoàn thiện quá trình điều khiển một hệ thống tự động hóa. Thiết bị cũng giúp người học chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, có trực quan tư duy, liên hệ thực tế, tạo hứng thú trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục.
Theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh: Hội thi đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân tỉnh với nhiều sáng kiến, đề tài, giải pháp có tính ứng dụng, thực tiễn cao. Đây cũng là cơ hội cho các tác giả, nhóm tác giả thể hiện tài năng và đam mê, sở thích của mình trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.