BVR&MT – Thực hiện Kế hoạch số 1695/KH-ĐHSPKT về việc Tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh năm 2023 đã được Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt ngày 03 tháng 07 năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã long trọng tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi môn học giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2023 vào sáng ngày 20 tháng 07 năm 2023.
Đến dự và chỉ đạo Hội thi có sự hiện diện của Đại tá Trần Đông Hán, Chuyên viên cao cấp Vụ GDQP&AN; Thượng tá Thái Hoài Nam, Chuyên viên cao cấp Vụ GDQP&AN (Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phía Nam); Đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 có Đại tá Phạm Xuân Kiều, Trưởng Phòng Tham mưu, Hành chính; Thượng tá Nguyễn Mạnh Tú, Trưởng khoa Binh chủng hợp thành; Buổi lễ còn có sự tham dự của ThS. Trương Xuân Vương đại diện Trung tâm GDQP&AN (Đại học Quốc gia TP.HCM). Về phía HCMUTE có TS. Nguyễn Văn Long Giang, Uỷ viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; TS. Nguyễn Đình Cả, Nguyên Trưởng khoa Chính trị và Luật; ThS. Đường Minh Hiếu, Giám đốc Trung tâm GDQP&AN; ThS. Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm GDQP&AN; PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất; ThS. Đỗ Thị Mỹ Trang, Giảng viên Viện Sư phạm Kỹ thuật và các quý thầy/cô giáo đến từ Trung tâm, cùng đông đảo các em sinh viên Nhà trường.
Tham gia hội thi, các giảng viên phải trải qua 03 phần thi: Thi trắc nghiệm chính trị, Thi thực hành giảng dạy và Thi vấn đáp điều lệnh.
Nội dung thi bám sát theo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Thi trắc nghiệm chính trị bao gồm: nội dung về chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QPAN; GDQP&AN; Kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; Kỹ năng ứng xử và xử lý các tình huống sư phạm thường xảy ra khi giảng môn học GDQP&AN.
Thi thực hành giảng dạy được chia thành 02 đối tượng: Giảng viên giảng dạy chính trị lý thuyết và Giảng viên giảng dạy quân sự. Trong phần thi vấn đáp điều lệnh, thí sinh có 15 phút để trả lời vấn đáp về điều lệnh quản lý bộ đội và điều lệnh đội ngũ từng người (không có súng).
Trong quá trình thi, các thí sinh bình tĩnh, tự tin, nắm chắc nội dung, chấp hành tốt quy chế hoàn thành tốt phần thi theo kế hoạch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lý thuyết đã được các giảng viên vận dụng linh hoạt, tạo sự sinh động và cuốn hút người nghe. Ở nội dung thi điều lệnh đội ngũ từng người (không có súng), các giảng viên đã thực hiện thuần thục động tác, khẩu khí to rõ, tác phong đúng quy định.
Cuộc thi thiết thực, bổ ích là dịp để các Giảng viên được thể hiện khả năng giảng dạy của mình, đồng thời cũng là cơ hội để được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau qua đó tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và học tập tại Trung tâm.
Phương Anh