BVR&MT – Sáng 18/12, diễn ra hội thảo về “Nguyên tắc, chuẩn mực người làm báo khoa học trong hệ thống báo chí LHHVN” tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta).
Chủ trì Hội thảo có ông Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Tùng Mậu nhấn mạnh: Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức có hệ thống báo chí lớn. Mặc dù đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung, nhưng báo chí của LHH vẫn còn nhiều dư địa, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng rất lớn từ đội ngũ đông đảo các trí thức, các nhà khoa học đủ mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, để đội ngũ các nhà báo và các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí của LHH phát huy được vai trò to lớn của mình, cần phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc và bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực của người làm báo. Đây là vấn đề lớn cần được các đại biểu dự hội thảo thông tin, trao đổi, tham luận tích cực để đi đến những nội dung tương đối rõ nét và thống nhất về vấn đề được đề cập tại Hội thảo; giúp cho hoạt động báo chí của chúng ta đạt những kết quả cao hơn…
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đã được trình bày tại hội thảo xung quanh chủ đề nguyên tắc và chuẩn mực của người làm báo trong giai đoạn hiện nay.
Chia sẻ tại hội thảo, Nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân trí) cho biết, nghề báo có những nguyên tắc, chuẩn mực và mang khái niệm chung, vừa mang đặc trưng riêng, trong đó có ba nguyên tắc bất biến.
Thứ nhất, không được phép nói sai sự thật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó bởi sự thật chỉ có một, những cái “giống như sự thật” thì nhiều. Vậy làm sao để tiếp cận sự thật? Để làm được điều này, không chỉ công sức mà rất cần trí tuệ và kinh nghiệm.
“Có lần tôi hỏi cố Nhà báo Hàm Châu rằng ông học tới 6 bằng đại học để làm gì? Ông đã trả lời rất giản dị: Để viết báo đỡ bị… sai”, nhà báo Bùi Hoàng Tám chia sẻ.
Đề cập nguyên tắc thứ hai, Nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, đó là động cơ của tác giả. Vấn đề nằm ở chỗ, động cơ đó là gì? Tốt hay xấu? Một khi động cơ không trong sáng thì việc bẻ cong ngòi bút là khó tránh khỏi.
Nguyên tắc thứ ba là tính “chuẩn mực”. Khi đưa tin hoặc phê phán bất cứ điều gì, hãy đặt mình vào vị thế, vị trí của người bị phê phán. Sự chuẩn mực ở đây nằm ở sự chừng mực và tuyệt nhiên không đẩy bất cứ ai đến “bước đường cùng”.
“Sự chuẩn mực còn nằm ở liều lượng thông tin. Phê phán cái xấu nhưng cũng phải biết nâng niu cái tốt. Sự chuẩn mực không chỉ nằm ở phê phán mà cả trong khen ngợi. Sự tâng bốc quá lời, sai sự thật cũng chính là liều độc dược”, Nhà báo Bùi Hoàng Tám nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Hữu Bắc (Báo Đất Việt) cho rằng, với sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở nên rộng lớn và dần dần không còn “biên giới cứng” trong tác nghiệp.
“Đây vừa thuận lợi vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Điều này đặt ra cho những người làm báo rất nhiều vấn đề về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo. Đặc biệt là yêu cầu người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội”, Nhà báo Nguyễn Hữu Bắc chia sẻ.
PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi (Hội Nhà báo Việt Nam) nhận định, sự thực là sinh mệnh của báo chí. Do đó, báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả mà còn phải định hướng dư luận, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin. Thực tế, với sức truyền tải nhanh chóng, thông tin được lan rộng theo cấp số nhân khiến tâm lý công chúng tỏ ra hoang mang, không phân biệt được đúng sai. Thực tế cho thấy, việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh.
“Nhà báo sử dụng mạng xã hội và đạo đức nghề nghiệp người làm báo nhanh nhưng phải chính xác; kiên trì nguyên tắc kiểm chứng; không phát tán và chính thống hóa tin đồn” Nhà báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Báo chí hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ tiếp cận, tìm kiếm thông tin, lan truyền bài viết tăng lượng độc giả nếu đó là những thông tin chính xác… Nhưng cùng với đó, báo chí cần thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra những nguồn tin chính xác, có tính định hướng – thay vì chỉ là những tin đồn kiểm duyệt trên mạng xã hội.
Cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần tập trung nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường số. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng bạn đọc, công chúng, cơ quan chủ quản, tôn chỉ mục đích của tờ báo; nâng cao vai trò định hướng thông tin, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu độc trên mạng, góp phần khắc phục những mặt trái của mạng xã hội. Do đó, báo chí trước hết phải tôn trọng sự thật và vun đắp niềm tin cho công chúng.
Hoàng Tôn