Hội Thảo: Lấy ý kiến dự thảo khung kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

BVR&MT – Ngày 2/7, Cục Biến đổi khí hậu, Mạng lưới các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Biến đổi khí hậu và nhóm công tác của các tổ chức Phi Chính phủ về biến đổi khí hậu đã tổ chức hội thảo: Lấy ý kiến dự thảo khung kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 tại Khách sạn Hà Nội Club 76 yên phụ.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Thực tế những năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ mà đã, đang diễn ra một cách nghiêm trọng, nhanh hơn dự báo, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. Nếu không có một kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu một cách tổng thể, hiệu quả thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ hiện hữu thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến với BĐKH, thông qua việc ký Công ước Khung của LHQ về BĐKH năm 1992, ký Nghị định thư Kyoto vào năm 1998 và phê duyệt vào năm 2002, phê duyệt Thỏa thuận Paris vào năm 2015, cùng với đó đã chủ động tổ chức thực hiện những cam kết này trong thực tế phát triển của đất nước Việt Nam đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầu tiên tới Công ước khí hậu (UNFCCC) vào ngày 03/11/2016 sau khi Việt Nam phê duyệt Thỏa thuận Paris.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục Trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Biến đổi khí hậu đã khẩn trương triển khai xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, đến nay nhóm soạn thảo của Cục đã dự thảo khái quát khung của Kế hoạch như: xác định các ngành, lĩnh vực chính chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; xác định các tác động, mục tiêu thích ứng và các nhóm giải pháp ưu tiên, cấp bách cần triền khai đối với từng ngành và lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Cục cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD), Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu (VNGO&CC), Nhóm công tác của các tổ chức Phi Chính phủ về biến đổi khí hậu (CCWG) và Tổ chức CARE trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đã có hàng nghìn sáng kiến và hành động thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khác nhau trong cả nước được các TCXH chủ động hỗ trợ triển khai, tạo ra những hiệu quả rõ rệt trong tăng cường nhận thức và năng lực thích ứng của cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương.

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch Mạng lưới VNGO&CC.

Cũng trong Hội thảo, bà Vũ Thị Bích Hợp, chủ tịch Mạng lưới VNGO&CC chia sẻ: Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong hơn 2 thập kỷ qua, các tổ chức xã hội (TCXH) đã không ngừng nỗ lực để đồng hành cùng cộng đồng và chính phủ trong giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường nói chung và ứng phó với BĐKH nói riêng. Một cách tiếp cận phổ biến được các I-NGO/TCXH ở Việt Nam hiện nay sử dụng để vượt qua những khó khăn, thách thức này là chủ động hợp tác, liên minh với nhau để tập hợp và tăng cường chuyên môn và nguồn lực.

Mạng lưới các tổ chức xã hội về BĐKH (VNGO – CCWWG) thực sự là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương gắn kết hiệu quả hơn, từ xây dựng thể chế chính sách đến triển khai hiệu quả các hoạt động trên thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc tăng cường nhận thức và năng lực thực hành động thích ứng với BĐKH, gắn với phát triển sinh kế bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo.

Nói về sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH, Ông Vũ Đức Đăng Quang – Đại diện phòng Thích ứng BĐKH, Cục BĐKH cho biết: Ngày 28/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia về BĐKH. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ bắt buộc thực hiện theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Ngày 13/072017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1028/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung chính sách năm 2018 thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC) trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019 với mục tiêu xây dựng và thực hiện NAP bao gồm: Giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, thông qua việc nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch một cách chặt chẽ trong các lĩnh vực liên quan và ở các cấp độ khác nhau (Theo Thỏa thuận Paris).

Tầm nhìn kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH 2012 -2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng nhằm tăng cường khả năng thích ứng BĐKH cho các ngành và địa phương ở Việt Nam, các giải pháp chủ đến năm 2030, đề ra những phương hướng thích ứng cho các giai đoạn sau dựa vào xu hướng BĐKH và tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trình bày các kết quả hoạt động của hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, Ông Vũ Thế Thường – đại diện các mạng lưới VNGO & CC nhấn mạnh thành công chung của các hoạt động hỗ trợ ứng phó với BĐKH, đó là lồng ghép và đánh giá hiệu quả của các chương trình dự án vào trong các chương trình ứng phó BĐKH và phát triển kinh tế –  xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường bằng chứng về các chiến lược mô hình hình thích ứng hiệu quả về chi phí, nguồn lực phù hợp với bối cảnh địa phương, có tiềm năng nhân rộng và cung cấp sự hiểu biết về các chính sách. Tăng cường năng lực của các cán bộ địa phương tham gia dự án về quản lý dự án, đặc biệt là về tài chính và truyền thông. Đặc biệt nâng cao nhận thức của các bên liên quan tại địa phương về thích ứng BĐKH, trọng tâm các tiêu chí thích ứng với BĐKH.

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Như vậy, mạng lưới các TCXH về BĐKH (VNGO-CC và CCWG) thực sự là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương gắn kết hiệu quả hơn, từ xây dựng thể chế chính sách đến triển khai hiệu quả các hoạt động trên thực tiễn, đóng góp quan trọng trong việc tăng cường nhận thức và năng lực hành động thích ứng với BĐKH, gắn với phát triển sinh kế bền vững, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đã đặt ra và Việt Nam cam kết thực hiện.

Văn Trì – Thạch Thảo.