BVR&MT – Cuối tháng 7/2022 vừa qua, tại Ba Vì – Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức HSI tại Việt Nam tổ chức Hội thảo kỹ thuật xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2032, tầm nhìn đến năm 2050, trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ voi châu Á tại Đồng Nai thông qua các giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn xung đột voi người một cách bền vững”.
Tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu là đại diện của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng của Tổng cục Lâm nghiệp, các đơn vị quản lý và thực thi tại 7/8 tỉnh có voi phân bố, các đơn vị nghiên cứu và các chuyên gia trong nước. Đặc biệt hội thảo còn có sự tham gia của TS. Pruthu Fernando, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm về voi và bảo tồn, hiện đang là chủ tịch Trung tâm phát triển Voi Srilanka và là thành viên của Nhóm chuyên gia Voi Châu Á của IUCN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp thông tin về hiện trạng công tác bảo tồn voi Châu Á ở 13 quốc gia có Voi Châu Á phân bố, những bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam đồng thời cùng xem xét tình trạng bảo tồn voi tại Việt Nam trong 10 năm qua như thông tin về các quần thể voi hoang dã, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động bảo tồn đã thực hiện và thông tin về xung đột voi người.
Các đại biểu cũng được cung cấp Hướng dẫn của IUCN về xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn voi. Các khái niệm về tầm nhìn, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, chiến lược, hành động cũng đã được giới thiệu và làm rõ để làm cơ sở cho quá trình thảo luận khung kế hoạch. Chuyên gia quốc tế đã trao đổi thêm các khái niệm về sức chứa – yếu tố giới hạn, cấu trúc đàn, đánh giá thể trạng cho voi thông qua xử lý hình ảnh, chung sống hài hoà giữa người và voi, đồng thời cùng các địa phương rà soát những điểm mạnh, điểm còn tồn tại trong công tác bảo tồn voi nhằm hỗ trợ các địa phương xác định mức độ ưu tiên của các hoạt động trong kế hoạch.
Sau hội thảo, khung kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2023 – 2032, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục được hoàn thiện và tham vấn trong giai đoạn tới theo từng chuyên đề cụ thể và tại các vùng ưu tiên./.