BVR&MT – Mới đây, tại TP Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế tổ chức hội thảo quốc gia “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”.
Theo báo cáo tại hội thảo, trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Chiến Cường – Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân. Trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã được lắng nghe nhiều bài báo cáo nghiên cứu về tác động của PFES tại Việt Nam của các đơn vị như: Quỹ Bảo Vệ và Phát Triển Rừng Sơn La, Trường Đại Học Nông Lâm Huế, Vườn Quốc Gia Cát Tiên, và Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Tây Nguyên. Các đơn vị đã áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau để tiến hành nghiên cứu tác động đối với khả năng mất rừng, tác động môi trường, kinh tế và xã hội ở các quy mô (toàn quốc, tỉnh, huyện, xã, cộng đồng và người dân). Từ đó đưa ra các vấn đề cần xem xét khi xác định và nâng cao tính điều kiện và bổ sung cho PFES tại Việt Nam.
GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu Trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít các bằng chứng khoa học chứng minh đầy đủ về hiệu quả và tác động của PFES. Chính vì vậy, hội thảo này nhằm tạo ra diễn đàn để các bên có liên quan thảo luận về bằng chứng khoa học hiện có về tác động của PFES.
Đối tượng được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng là hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng. Trong 10 năm qua, dịch vụ môi trường rừng có tác động lớn, thu hút được người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng, Ông Phạm Hồng Lượng – Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên khẳng định.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học thông qua các báo cáo nghiên cứu nói riêng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói chung đều đánh giá cao các kết quả nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao thông qua các số liệu cụ thể, những ảnh hưởng tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới việc quản lý bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng như thảo luận cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách từ thực tiễn. Từ đó đặt ra những biện pháp thúc đẩy, bảo vệ và phát triển rừng.
Văn Trì – Trương Nhã