BVR&MT – Ngày 07/8/2019 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển 20 Thụy Khuê, Hà Nội, Trung ương Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam (Vifa) – Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường – Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta) tổ chức hội thảo “Giải pháp xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ”.
Là Hội thảo cấp Quốc gia có sự tham gia của Tổng cục Lâm nghiệp; Viện KH Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Các tỉnh Hội, Chi hội Lâm nghiệp thuộc Vifa cùng đông đảo các Nhà khoa học, Nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và môi trường,.
Báo cáo về tình hình thực hiện Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về một số chính sách BV&PTR và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp, ông Triệu Văn Khôi, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Sau 04 năm thực hiện Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng 40,84% năm 2015, năm 2018 là 41,65, dự kiến năm 2019 là 41,85. Công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật giảm rõ rệt so với giai đoạn 2011-2015. Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển mạnh, đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ công nghệ, thu hút đông đảo lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời hình thành các mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường.
Nói về các giải pháp tổ chức thực hiện chính sách BV&PTR ở vùng Đông Bắc Bộ, điển hình trồng cây keo lai và keo tai tượng, bà Phạm Thị Luyện – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Gỗ keo lai và keo tai tượng ở Đông Bắc Bộ được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, đặc biệt là các sản phẩm gỗ ép, ván ghép thanh, đồ mộc nội/ngoại thất đòi hỏi nguồn nguyên liệu gỗ có đường kính từ trên 15cm trong khi nguồn gỗ cung cấp có kích thước nhỏ hơn. Để giải quyết được vấn đề này thì cần tạo mối liên kết theo chuỗi cung có tổ chức từ khâu trồng rừng – chế biến – thương mại sản phẩm nhằm phát triển trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo cung cấp gỗ cho chế biến sâu, mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể tham gia vào thị trường sản xuất, kinh doanh rừng trồng.
Đánh giá về các mô hình thí điểm khoán quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các tổ chức kinh tế tại Lào Cai, ông Phạm Ngọc Thường – Trung tâm Quản lý Tài nguyên và Phát triển bền vững nói: Mô hình khoán bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn đã góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, chất lượng rừng, duy trì nguồn sinh thủy và thay đổi từng bước tập quán và thói quen khai thác rừng thiếu bền vững của người dân địa phương. Tạo việc làm cho một số lao động địa phương tham gia bảo vệ rừng, kiểm soát canh tác, sử dụng đất để trồng thảo quả và trồng phục hồi rừng. Ngoài ra, mô hình đã cho thấy huy động nguồn lực lớn ngoài nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, cộng đồng trong khu vực mà còn góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, từ năm 2016 đến nay ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, diện tích rừng suy thoái được phục hồi, khoanh nuôi tái sinh rừng, giảm số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ tăng lên đáng kể. Ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về một số điểm nóng về phá rừng, vận chuyển và tàng trữ gỗ trái phép như: Điện Biên, Bắc Kạn, các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam.
Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu quỹ đất đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp… Đồng thời, chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ tạo sức bật cho ngành chế biến lâm sản, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao.
Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá về các giải pháp xã hội hóa trong công tác BV&PTR cũng như những kiến nghị về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 38 như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác; Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày đến Chi cục Kiểm lâm các vùng và địa phương; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi sử dụng giống chất lượng tốt, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, vai trò, tác dụng, giá trị của rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; Nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, hưởng lợi từ rừng.
Tuy nhiên tại Hội thảo nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự trăn trở, mong muốn được Nhà nước cởi nút thắt, bổ sung về những nội dung chưa phù hợp, chưa rõ, còn chung chung như cơ chế chính sách, vấn đề vay vốn, tài chính…. thì sẽ giúp Quyết định 38 được hoàn chỉnh và phù hợp với thực tiễn của người dân, địa phương tham gia tích cực có hiệu quả hơn vào công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Thạch Thảo