BVR&MT – Nhiều thế kỷ trước, vương quốc tạo nên phần lớn nước Lào thời hiện đại được gọi là Lan Xang, trong tiếng Anh có nghĩa là “Đất nước triệu voi”.
Tuy nhiên, trong khi voi châu Á lâu nay được coi như biểu tượng văn hóa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thì những con số lại nói lên rằng loài voi đang trong cơn khủng hoảng.
Chính phủ Lào và các nhóm bảo tồn ước tính chỉ còn khoảng 800 cá thể voi ở nước này bao gồm 400 cá thể hoang dã và 400 cá thể bị nuôi nhốt.
“Cả hai quần thể đều không bền vững và đang thực sự suy giảm nhưng những vấn đề mà chúng phải đối mặt lại hoàn toàn khác nhau”, Anabel López Pérez, nhà sinh vật học người Tây Ban Nha đang làm việc cho Trung tâm bảo tồn voi, nói.
Hai quần thể, hai thách thức
Theo López, căn nguyên suy giảm số lượng voi hoang dã là nạn phá rừng.
Lào, nơi khét tiếng về nạn phá rừng quá mức do nhu cầu gỗ từ Trung Quốc và Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 40% độ che phủ rừng – giảm từ mức 70% được ghi nhận vào những năm 1950. Khi rừng bị thu hẹp, sinh cảnh bị phân mảnh và voi không thể di cư như bình thường. Điều này dẫn đến xung đột giữa người và voi.
“Vì vậy, những con voi rời khỏi rừng… tìm đến cơ sở hạ tầng và hoa màu của dân địa phương. Chúng ăn mọi thứ xung quanh và đôi khi phá hoại cơ sở hạ tầng, dân địa phương không hài lòng lắm với tình hình”, López phân tích.
Voi nuôi nhốt đối mặt với những thách thức riêng. López cho biết dù chính phủ Lào đặt ra những hạn chế chặt chẽ trong việc sử dụng voi để vận chuyển trong ngành khai thác gỗ nhưng voi nuôi nhốt vẫn chết hàng loạt.
Chúng bị cho ăn uống không lành mạnh và bị cưỡng bức làm việc trong điều kiện tồi tệ tại các trại du lịch voi hoặc bị thương mà không được chăm sóc đúng cách.
Thêm nữa, chủ sở hữu voi có rất ít động lực để nhân giống chúng trong điều kiện nuôi nhốt vì việc mang thai sẽ khiến một con voi cái không thể làm việc trong bốn năm.
Và không ai thực sự muốn sử dụng voi đực – do sự thay đổi nội tiết tố mà chúng hung dữ và có xu hướng khó đoán hơn con cái.
“Vì vậy ngày càng thường xuyên hơn, chúng ta thấy những con voi đực chết và người chủ có thu nhập từ mua bán những bộ phận cơ thể chúng “, López cho biết.
Nạn săn trộm đe dọa cả quần thể voi châu Á thuần hóa và hoang dã, hiện được xếp hạng loài nguy cấp. Nhu cầu về các bộ phận cơ thể voi tiếp tục tăng từ những nước như Trung Quốc và Myanmar, nơi da và ngà voi được sử dụng trong y học cổ truyền.
Ngược dòng
López là thành viên của một nhóm các nhà bảo tồn thuộc Trung tâm bảo tồn voi đang cố gắng phục hồi quần thể voi ở Lào. Được thành lập vào năm 2010, đây là công viên bảo tồn duy nhất tại nước này.
Hai mươi chín con voi – 20 cái, 9 đực – sống tại Trung tâm gần Xayaboury, một thị trấn ở phía tây bắc giáp biên giới Lào – Thái Lan. Một số cá thể voi thuộc sở hữu của chính phủ trong khi những cá thể khác thuộc trung tâm bảo tồn. Nhiều con voi trước đây làm việc trong ngành khai thác gỗ nở rộ ở Lào.
López phụ trách chương trình nhân giống, với mục tiêu là nhân giống 29 con voi nuôi nhốt của trung tâm với voi hoang dã. Ngoài ra còn có một trại cho voi con và bệnh viện tại chỗ cũng như rất nhiều khu rừng núi non tươi tốt để voi đi dạo và các hố nước để chúng tắm.
Chương trình đào tạo quản tượng của trung tâm nhằm trang bị kiến thức sâu rộng cho người huấn luyện voi và thúc đẩy bảo tồn.
Hướng dẫn viên Phongsavath Malaythong nói rằng mọi quản tượng đến tập huấn và làm việc tại trung tâm đều là công dân Lào, những người đầu tiên chăm sóc voi ở Lào là người Khơ Mú – một trong ba dân tộc chính của đất nước.
“Voi hoang dã rất quan trọng với người Lào … vì từ lâu voi đã được [tôn kính] như Đức Phật”, Malaythong, người đã làm việc tại trung tâm được hai năm, giải thích. Trước đó, anh làm việc tại nhiều trại voi du lịch quanh Luang Prabang, một thành phố du lịch nổi tiếng trên bờ sông Mê Công cách trung tâm bảo tồn hơn hai giờ đi xe.
Anh cho biết voi vẫn được sử dụng rộng rãi trong các cuộc diễu hành ngày lễ hoặc lễ kỷ niệm tôn giáo ở Lào. Mối liên hệ văn hóa sâu sắc này không chỉ thông tin qua sự huấn luyện của quản tượng mà còn là sự sẵn lòng của người dân Lào để làm việc với các nhà bảo tồn khi có xung đột giữa người và voi.
“Chúng tôi liên lạc với họ và đến [nói chuyện] với người Lào vì voi rất quan trọng”, Malaythong kể.
Mọi người thậm chí đã tự đến trung tâm để yêu cầu làm việc với nhóm bảo tồn và những con voi. Malaythong mong muốn nhiều khách du lịch cũng sẽ đến trung tâm để tìm hiểu về voi. Trung tâm thậm chí còn mong muốn đào tạo được những người hướng dẫn voi biết tiếng Trung Quốc để việc trải nghiệm voi thân thiện với môi trường hấp dẫn hơn đối với du khách Trung Quốc đến Lào.
“Bạn đến đây để hỗ trợ vì bạn không phải trả ngần ấy tiền chỉ để đơn thuần ngủ trong một bungalow bằng tre”, quản lý trung tâm Anthony Philippe nói.
“Những người đến đây đều quan tâm đến tình hình loài voi. Vì vậy, một khi họ đến đây, đó là vì họ muốn thấy điều gì đó khác biệt”.
Trợ giúp từ thượng tầng
Mặc dù chủ yếu được tài trợ bởi du khách nhưng trung tâm vẫn duy trì mối quan hệ lành mạnh với chính quyền địa phương, Philippe cho biết. Trung tâm hợp tác với chính quyền tỉnh Xayaboury trong các dự án khác nhau – giúp cải thiện lễ hội voi địa phương và tổ chức các sự kiện tập trung vào bảo tồn cho cư dân, mua hàng hóa từ thị trấn cho trung tâm, tất cả đều sử dụng lao động là người Lào.
Chính quyền địa phương cũng đã cấp cho trung tâm bảo tồn phần lớn đất đai.
“Tôi nói chuyện với tỉnh trưởng vài ngày trước và ông ấy bảo, “Nếu bạn cần thêm [đất], chúng tôi có thể tìm một giải pháp cho bạn để tăng diện tích, nếu cần thiết”, Philippe tiết lộ.
Chính phủ Lào cũng có tiếng là ủng hộ các nỗ lực bảo tồn voi. Trong vòng 30 năm qua, việc bắt voi hoang dã và buôn bán động vật hoang dã đã bị cấm. Luật pháp nghiêm cấm sử dụng voi cho ngành khai thác gỗ.
Hai năm trước, khi Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đột ngột dừng việc bán 13 con voi cho một công viên safari ở Dubai, trung tâm bảo tồn được nhận toàn bộ.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, “nếu các quỹ đạo hiện tại tiếp tục, sẽ không còn voi ở Lào vào năm 2030”, theo một bài báo do nhà sinh vật học người Mỹ Chrisantha Pinto làm việc tại trung tâm là đồng tác giả.
Các quỹ đạo hiện tại có nghĩa là tỷ lệ phá rừng, phân mảnh sinh cảnh, xung đột giữa người và voi vẫn tiếp diễn. Và gần đây hơn, mối quan ngại về việc một tuyến đường sắt mới được Trung Quốc xây dựng đi xuyên qua Bắc Lào có thể ảnh hưởng như thế nào đến quần thể voi vốn đã mong manh của Lào.
Nilanga Jayasinghe, cán bộ chương trình các loài châu Á của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, cho biết: “Dĩ nhiên các dự án cơ sở hạ tầng nên được quan tâm và phát triển một cách bền vững và phải thực sự cân nhắc nơi chúng sẽ đi qua”.
Cô nói rằng rất nhiều tuyến đường bộ và đường sắt được xây dựng chạy qua các hành lang di cư của động vật.
Jayasinghe chỉ rõ những mối đe dọa này – sự phát triển của con người, cơ sở hạ tầng, nạn phá rừng, tiếp cận dễ dàng hơn cho những kẻ săn trộm – không chỉ riêng với voi ở Lào mà là vấn đề đối với tất cả các nước Đông Nam Á.
“Trên khắp năm quốc gia sông Mê Công, một vài [quần thể voi] đang suy giảm mạnh. Tình hình khá tệ”.
Mặc dù các chính phủ Đông Nam Á hỗ trợ đáng kể cho việc bảo tồn voi vì đây là loài được bảo vệ, rất khó để đánh giá quốc gia nào trong khu vực tích cực nhất.
“Hầu hết các tổ chức đều gặp những thách thức tương tự trong bảo tồn voi”, J ayasinghe nói. “Tôi nghĩ rằng nhiều tổ chức đang nỗ lực và chính phủ được đầu tư nhưng đó cũng là vấn đề tài nguyên”.
Nhật Anh (Theo NPR)