BVR&MT – Là một huyện nghèo đang được hưởng lợi theo Quyết định 30a của Chính phủ, Hoàng Su Phì trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi được huyện Hoàng Su Phì chú trọng phát triển; từng bước hình thành chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ theo hướng sản xuất hàng hóa.
Sau khi UBND tỉnh ban hành đề án và kế hoạch đột phá thực hiện phát triển nửa triệu con đại gia súc, nhằm đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp năm 2018 đạt 32% giúp dân xóa đói giảm nghèo, huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện đề án với mục tiêu ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ vào chăn nuôi; chuyển dịch dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, sang chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại, nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỷ trọng ngành chăn nuôi đã chuyển dịch mạnh, chiếm 20,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2010 – 2015 đạt 23,52%/năm. Quy mô giá trị sản xuất của ngành tăng từ 31,53 tỷ đồng năm 2010 lên 90,65 tỷ đồng năm 2015. Từ đó, thu nhập của người chăn nuôi cũng được nâng lên đáng kể.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn trâu của huyện Hoàng Su Phì có 22.986 con, bò 6.372 con, dê 22.654 con, lợn 70.481 con và đàn gia cầm 369.280 con; ngày càng có nhiều hộ đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Trong đó, có 520 mô hình nuôi trâu, bò với quy mô từ 5 – 20 con; 20 mô hình nuôi lợn từ 30 – 80 con; 142 mô hình nuôi dê từ 10 – 100 con… Thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí mua 300 con bò giống cho các hộ nghèo; chỉ đạo thực hiện 24 mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Trong đó có 4 mô hình nuôi trâu, bò từ 50 con trở lên; 5 mô hình nuôi dê từ 100 con trở lên, còn lại là các mô hình nuôi lợn và gia cầm.
Thực hiện Đề án Phát triển nửa triệu con đại gia súc của tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng đàn trâu, bò của huyện đã tăng 528 con; trong đó, tăng tự nhiên là 185 con, tăng cơ học 343 con, đưa tổng đàn trâu, bò toàn huyện lên 29.358 con. Đồng thời hình thành 7 gia trại chăn nuôi trâu, bò với số lượng 205 con (quy mô trung bình từ 15 con trở lên). Diện tích cỏ trồng mới trong 9 tháng đầu năm là 321,4 ha, đạt 129% kế hoạch năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì hiện cũng gặp không ít khó khăn như: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi còn hạn chế, thị trường tiêu thụ nhiều biến động, ít doanh nghiệp và HTX đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; người dân vẫn chăn nuôi theo tập quán cũ, ít đầu tư chuồng trại, máy móc, thiết bị phục vụ trong chăn nuôi; huyện chưa chủ động được nguồn giống, việc sản xuất con giống của các hộ chăn nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, chất lượng con giống không đảm bảo; dẫn đến năng suất chăn nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng nhập gia súc, gia cầm từ bên ngoài vào tiêu thụ tại địa bàn huyện đang ở mức báo động; cụ thể trong năm 2017, có khoảng 700 con trâu, bò; trên 15.500 con lợn và gần 17.000 con gia cầm được nhập vào tiêu thụ tại huyện với giá trị ước tính 56,5 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, UBND huyện đã ban hành phương án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giá trị ngành chăn nuôi chiếm 24,48% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp; đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 3% trở lên đối với trâu, bò, dê và từ 6% trở lên đối với lợn, gia cầm.
Huyện đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện; trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hạn chế thả rông, tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi: Hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 1 con trâu hoặc bò giống để phát triển kinh tế; hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, làm chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi; xây dựng Nhóm chăn nuôi để hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện đặc biệt chú trọng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm như; Xây dựng chợ gia súc và lò giết mổ tập trung tại thị trấn Vinh Quang, tiến tới xây dựng thêm ở các xã, cụm xã để phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, cải tạo, nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn gia súc thông qua việc bình tuyển, chọn lọc con giống…
Hoàng Tôn – Phương Phương