BVR&MT – Con tàu Polarstern chở theo hàng trăm nhà khoa học từ 20 quốc gia đã trở về Đức sau 389 ngày đi qua các khối băng ở Bắc cực để thực hiện chuyến nghiên cứu Bắc cực lớn nhất lịch sử.
Các nhà nghiên cứu tham gia sứ mệnh lớn nhất thế giới về thám hiểm Bắc Cực đã kết thúc hành trình vào ngày 12/10 và trong hành lý trở về của họ sẽ có những bằng chứng về một Bắc Băng Dương đang hấp hối cùng những cảnh báo về mùa hè Bắc Cực không băng tuyết trong vài thập kỷ tới.
“Chúng tôi đem về một kho dữ liệu cùng với vô số mẫu lõi băng, tuyết và nước”, nhà khoa học Markus Rex, trưởng đoàn thám hiểm, nói với hãng tin AFP và cho biết đoàn đã hoàn thành mọi kế hoạch nghiên cứu như dự định.
Trong hơn 389 ngày, hơn 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia đã tham gia sứ mệnh nghiên cứu trị giá 177 triệu USD mang tên MOSAIC để đánh giá tình hình tại một trong những phần xa xôi và khắc nghiệt nhất hành tinh.
Để nghiên cứu, đoàn đã lập 4 điểm quan sát trên biển băng trong bán kính lên tới 40 km xung quanh con tàu. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước bên dưới lớp băng trong đêm để nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển trong điều kiện khắc nghiệt.
Họ cũng dùng máy bay không người lái để thu thập thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió để giúp tái hiện các điều kiện ở Bắc cực.
“Chúng tôi chứng kiến Bắc cực đang chết dần. Chính tại Bắc cực, chúng tôi đã thấy băng giòn, mỏng, bị tan chảy và xói mòn nghiêm trọng”, ông Rex nói.
Ông Rex cũng cảnh báo nếu xu hướng ấm lên ở Bắc cực tiếp diễn thì chỉ sau vài thập kỷ nữa, thế giới sẽ có “một Bắc cực không có băng vào mùa Hè”. Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với những hình ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ cho thấy rằng vào năm 2020, băng biển ở Bắc cực vào mùa Hè sẽ đạt mức thấp kỷ lục thứ 2 kể từ năm 2012.
Kể từ khi chuyến tàu nghiên cứu khởi hành từ Tromso, Na Uy, vào ngày 20/9/2019, đoàn đã trải qua nhiều tháng dài chìm hoàn toàn trong bóng tối, với nhiệt độ thấp tới âm 39,5 độ C và xung quanh là 20 con gấu Bắc cực.
Chuyến đi cũng gặp sự cố khi dịch COVID-19 bùng phát và các biện pháp phong tỏa khiến nhóm nghiên cứu tiếp sức không thể bay đến tàu và đoàn bị mắc kẹt trong 2 tháng.
Là “ngôi nhà” của hơn 21.000 loài động thực vật, Bắc Cực là một trong những khu vực rộng lớn cuối cùng trên thế giới vẫn còn trong tình trạng hoang dã. Tuy nhiên, sự gia tăng trong các hoạt động của con người như đánh bắt cá, vận tải, du lịch và thăm dò tài nguyên đã đe dọa hệ sinh thái mong manh ở đây.
Từ những năm 1990, tình trạng biến đổi khí hậu do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã đẩy nhiệt độ ở Bắc Cực tăng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình trên thế giới. Năm 2019, khu vực này trải qua năm nóng thứ 2 trong lịch sử kể từ năm 1900, đồng thời cũng là năm ghi nhận tảng băng trôi nhỏ thứ 2 trong lịch sử. Trong năm 2020, tảng băng này thậm chí còn “co lại” nhiều hơn.
Không chỉ tác động tới Bắc Cực, tình trạng ấm dần lên toàn cầu còn làm giảm diện tích của Bắc Băng Dương – vốn là khu vực có băng phủ vĩnh viễn, khiến các loài vật ngụ cư tại đây như gấu Bắc Cực, cá voi đầu cung, hải cẩu và chim biển đứng trước nguy cơ lớn về sự diệt vong.