BVR&MT – Sau 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, thành phố đã hoàn thành 7/10 tiêu chí, góp phần xây dựng Đà Nẵng có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc.
Ngày 05/6/2019, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” (2008 – 2018).
10 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề án, góp phần xây dựng Đà Nẵng có những thay đổi lớn và phát triển vượt bậc.
Thành phố nhiều năm nhận được các giải thưởng, chứng nhận trong nước và quốc tế về phát triển, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoàn thành 7/10 tiêu chí gồm: chỉ số ô nhiễm không khí (AP) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100; độ ồn tại khu dân cư nhỏ hơn 60dbA, đường phố nhỏ hơn 75dbA; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đầu người từ 6 – 8m2/người; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn là 76,81%; tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt hơn 95%, khu vực nông thôn là hơn 70%; tổng lượng nước thải sinh hoạt thu gom đạt trên 61%, tỷ lệ xử lý đạt yêu cầu lớn hơn 42% (của 3 trạm).
Riêng 3 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 là: tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực sông, ven biển, hồ, nước ngầm; tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030, tầm nhìn năm 2045, đề án tiếp tục được xây dựng trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27/1/2019 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan với mục tiêu là xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái.
Theo đó, đến năm 2025, thành phố kiểm soát tốt chất lượng môi trường (nước, không khí, đất); hoàn thành các tiêu chí đã được cập nhật đến năm 2025; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng thành phố sinh thái; xây dựng, phấn đấu các tiêu chí về thành phố sinh thái và đến năm 2045, là thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, để thực hiện được các mục tiêu nói trên, thành phố phải xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tương ứng với mục tiêu trở thành phố môi trường. Hệ thống hạ tầng đô thị phải được tính toán, đầu tư dài hạn, đủ năng lực xử lý môi trường, ứng phó nhanh với sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, tiên phong sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao, công nghệ cao; thực hiện hiệu quả việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần, sử dụng tiết kiệm nước, tiết kiệm điện.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm về môi trường trong phát triển đô thị, phát triển kinh tế; tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đề án gắn với nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm về môi trường.
Nhân dịp này, UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện đề án.