BVR&MT – Từ ngày 27/11/2017 tới đây, theo Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Thông tư mới ban hành quy định các nhóm đối tượng áp dụng gồm người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo được tham gia dự án theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; nhóm hộ, cộng đồng dân cư;…
Phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo thực hiện theo dự án. Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thức: khoán, chăm sóc bảo vệ rừng, giao rừng, giao đất để trồng rừng sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo thuộc tiểu dự án 3 (nằm trong Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020), thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BTC và Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT.
Theo Thông tư, kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn cho hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là một phần trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo phải phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo về nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và các ngành nghề, dịch vụ áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, quy mô tính chất của từng dự án. Đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật theo định mức kinh tế kỹ thuật đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hỗ trợ sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2011 – 2015, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được thiết kế trong các chương trình giảm nghèo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2014 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a. Nhờ đó các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được triển khai thực hiện thuận lợi, nhiều hộ nghèo đã tự phát triển sản xuất, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững.
Do các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được quy định dàn trải ở nhiều văn bản khác nhau nên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trong đó có các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg được tích hợp thống nhất về nội dung hỗ trợ và cơ chế thực hiện, đòi hỏi có Thông tư hướng dẫn về trình tự nội dung và cách thức thực hiện. Vì thế, việc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg là cần thiết.