BVR&MT – Do tác động của dịch Covid-19 cùng với giá dầu xuống thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của ngành dầu khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ thất thu hàng tỷ USD đang hiện hữu. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) trong ngành đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm sớm vượt qua “tâm bão” dịch bệnh, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Còn nhiều sức ép
Số liệu thống kê của Tổng công ty Thăm dò Khai khác dầu khí (PVEP) cho thấy, hai tháng qua, tổng doanh thu của đơn vị đạt 4.472 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.254 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch năm. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và giá dầu bất ngờ giảm sâu tới hơn 32% (xuống ngưỡng trên dưới 25 USD/thùng) khiến tình hình hoạt động SXKD gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục, đơn vị đã xây dựng các kịch bản tương ứng từng mức giá dầu cụ thể, đồng thời triển khai các giải pháp tối ưu chi phí vận hành, khai thác; chi phí quản lý, đầu tư,… Mặc dù các chỉ tiêu sản xuất của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro trong hai tháng qua đều hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra khi tổng nộp ngân sách và lợi nhuận phía Việt Nam đạt 144,6 triệu USD, đạt 110,6% kế hoạch nhưng trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện nay, Vietsovpetro đã phải triển khai các giải pháp như nâng cao hệ số thu hồi dầu, tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường quản lý dòng tiền, sử dụng ngân sách hiệu quả, giảm thuê bên ngoài, huy động mọi nguồn lực sẵn có bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, phải triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống khả năng lây lan của dịch Covid-19, tạo tâm lý thoải mái cho cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc.
Không chỉ khó khăn trong khai thác thượng nguồn, các khâu trung và hạ nguồn của ngành dầu khí cũng đối diện với rất nhiều thách thức khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu ngày càng giảm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm từ 30 đến 40% so cùng kỳ. Theo hợp đồng kỳ hạn năm 2020 của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho thấy, tổng khối lượng xăng dầu BSR giao mỗi tháng cho các khách hàng vào khoảng 634 nghìn m3, gồm 302 nghìn m3 xăng 95/92; 272 nghìn m3 dầu đi-ê-den và 60 nghìn m3 nhiên liệu bay Jet A1. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 khiến lượng hàng tồn kho xăng dầu của BSR đang có xu hướng tăng cao, gần đạt ngưỡng khi các khách hàng giảm bình quân tới 30% kế hoạch do tình hình tiêu thụ và sức chứa hạn chế. Đối với sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và hạt nhựa PP, nhiều khách hàng cũng đề nghị giảm sản lượng và giãn thời gian nhận hàng. Tương tự, lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang ở mức 70 đến 85% và có nguy cơ đầy kho trong vài ngày tới. Tiếp đến, mức tiêu thụ sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không đạt như kỳ vọng đã phần nào phản ánh những khó khăn mà ngành dầu khí đang phải đối diện, thậm chí thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.
Đánh giá về những khó khăn của DN, Tổng Giám đốc BSR Bùi Minh Tiến cho biết, công ty đang nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động SXKD. Cụ thể, công ty đã tích cực làm việc với từng khách hàng, đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tối đa hóa khả năng tiếp nhận hàng hóa. Mặt khác, từng bước điều chỉnh giảm công suất của nhà máy để phù hợp sức chứa và khả năng tiếp nhận của khách hàng. Bên cạnh đó, tăng cường việc ngăn ngừa khả năng lây nhiễm của dịch Covid 19, trang bị các công cụ, dụng cụ để hỗ trợ người lao động cũng như xây dựng các kịch bản xảy ra các nguy cơ lây nhiễm để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Tạo cơ chế, đẩy mạnh phát triển
Theo đánh giá của PVN, nếu giá dầu thô tiếp tục sụt giảm không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động của DN mà còn ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng, doanh thu bán dầu thô đạt 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng, doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách cũng giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD, tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách.
Đề cập các giải pháp ứng phó tác động của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, tập đoàn cùng các đơn vị phải nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng thời chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình SXKD một cách nhanh và hiệu quả nhất. Trong đó, tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống mức thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị trong tập đoàn cần tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của tập đoàn; tăng cường hợp tác với các DN trong nước và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh tương tự nhằm tối ưu nguồn lực của các bên, cùng nhau vượt khó. Đồng thời, triển khai các biện pháp thích hợp, chặt chẽ nhằm giữ gìn và bảo đảm an toàn, tránh tác động lây nhiễm dịch bệnh đến các khu vực hoạt động khai thác, các nhà máy để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, hiệu quả cao.
Cũng theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (KTDK) khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí đàm phán KTDK giảm…, sẽ góp phần gia tăng trữ lượng. Để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh vực dầu khí nhằm có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân u-rê, thuế thu nhập DN áp dụng với hoạt động KTDK, cơ chế tài chính cho quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, KTDK,…