BVR&MT – “Kinh tế xanh” được hiểu đơn giản là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, trong đó cam kết giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo,…
Việt Nam xác định xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu, tuy nhiên trong quá trình phát triển kinh tế xanh, đã nảy sinh không ít khó khăn, tạo ra “lực cản” khi một số cơ chế, chính sách, quy định cụ thể chưa được hoàn thiện, mới đang dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung nhiều vào tăng trưởng xanh.
Một trở ngại khác là thói quen sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân còn lãng phí, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn lực cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp phần lớn cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Ða số doanh nghiệp nhận thức về kinh tế xanh còn yếu, chưa có trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường, trong khi quy định về môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định về môi trường còn cao.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường, 68% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Vấn đề nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh vẫn khá mới mẻ khi có 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường. Ðáng chú ý, có tới 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm thấp hơn rất nhiều.
Trước xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiên phong đổi mới, chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Trong công nghiệp, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại ra môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới, thiết bị, công nghệ mới thân thiện môi trường.
Còn trong nông nghiệp, cũng bắt đầu hình thành xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái.
Ðể Việt Nam thực hiện đúng theo cam kết giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, cần bảo đảm có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững.
Nhà nước sớm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh; đầu tư nguồn lực nhiều hơn vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Ðồng thời, có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính đầu tư thích đáng cho phát triển kinh tế xanh. Ðây được xem là cơ sở, nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá trong thực hiện phát triển kinh tế xanh của Việt Nam trong thời gian tới.