BVR&MT – Nguồn kinh phí cho việc nạo vét, làm sạch Hồ Gươm dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách của Hà Nội. Thời gian nạo vét dự kiến cuối năm 2017.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho TTXVN biết, UBND TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương nạo vét Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) theo đề xuất của Công ty khi hồ này bị cạn nước và ô nhiễm môi trường.
Nguồn kinh phí dự kiến cho việc làm sạch Hồ Gươm khoảng 30 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách Thành phố. Thời gian nạo vét dự kiến cuối năm nay.
Để không ảnh hưởng nhiều đến quan cảnh Hồ Gươm, thời gian thi công dự kiến từ thứ 2 đến thứ 5 là từ 23h đến 5h hôm sau. Riêng thứ 6 đến chủ nhật thi công từ 24h đến 5h hôm sau. Tổng thời gian thi công trong tuần là 39 giờ.
Để có thể nạo vét khoảng 57.400 m3 bùn đất của hồ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra phương án thi công như sau: Giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5,6 m để bảo đảm không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét bảo đảm cách mép chân kè các công trình trên là 7 m. Cùng với đó, thanh thải phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7 m, thanh thải toàn bộ rác, các loại phế thải.
Về biện pháp thi công: Sử dụng dây chuyền C2 cải tiến; bố trí 2 mũi thi công, mỗi mũi sử dụng 1 dây chuyền C2 cải tiến, thi công song song từ hướng Nam lên hướng Bắc.
Trong quá trình thi công, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng lập kế hoạch bảo đảm an toàn lao động, hạn chế tiếng ồn, dọn dẹp vệ sinh trước khi kết thúc ngày làm việc.
Trước việc một số người dân và chuyên gia bày tỏ lo lắng khi nạo vét Hồ Gươm có thể ảnh hưởng đến những loài thủy sinh đặc trưng của hồ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết đã có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu, nuôi trồng thủy sản 1 thực hiện ngăn lưới, cách ly động vật thủy sinh tại hồ.
Trong quá trình thi công, chia lòng hồ thành 3 vùng thi công (với diện tích trung bình khoảng 32.500 m2/vùng), căng lưới, dồn thủy sinh để bảo tồn hệ thủy sinh trong hồ; thi công dứt điểm trong từng khu vực nên hạn chế ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh đặc hữu của hồ.