BVR&MT – Thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tập trung triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực giáp ranh vùng đệm phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng trong khu vực.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã phối hợp với chính quyền địa phương tại các cộng đồng vùng đệm thực hiện hỗ trợ, đầu tư cho người dân đang sinh sống tại các thôn, bon vùng đệm để cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
Thông qua chương trình hỗ trợ các cộng đồng vùng đệm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã chi hỗ trợ mỗi cộng đồng số tiền 40 triệu đồng/năm để đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất bao gồm: công tác khuyến nông, khuyến lâm, cấp giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng vùng nông thôn, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa…
Cùng với việc được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ, các cộng đồng vùng đệm cũng ký cam kết với Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung không để xảy ra các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Theo đó, nếu rừng trong khu vực được bảo vệ tốt, cộng đồng vùng đệm sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, mua sắm hàng hoá, trang thiết bị phục vụ các công trình công cộng của cộng đồng, từng bước cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng về cuộc sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng dân cư vùng đệm.
Theo đánh giá, đến nay hiệu quả của chương trình hỗ trợ đã được phát huy, ý thức bảo vệ rừng của người dân vùng đệm từng bước được nâng cao, không còn tình trạng người dân xâm hại tới rừng, nhiều năm nay không còn tình trạng phá rừng, xâm hại đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hàng năm mặc dù còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu so với thực tiễn, nhưng Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua chương trình, từ năm 2022 đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã triển khai tại 6 thôn, bon thuộc vùng đệm để hỗ trợ các hạng mục như: hỗ trợ thiết bị điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, thiết bị thông tin liên lạc, bàn ghế hội trường thôn… với tổng kinh phí 480 triệu đồng.
Các hạng mục hỗ trợ được đánh giá là kịp thời, cần thiết, đáp ứng so với nhu cầu của nhân dân; góp phần làm thay đổi về nhận thức, tạo sự gắn kết, tin tưởng và tăng cường trách nhiệm của nhân dân vùng đệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.
Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Phạm Trọng Thủy cho biết, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm giai đoạn 2016-2020 trước đây và chương trình hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm giai đoạn 2021-2025 hiện nay luôn nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương và người dân trong khu vực. Cộng đồng vùng đệm đã thực hiện cam kết bảo vệ rừng, triển khai thực hiện có hiệu quả cao, các chương trình hỗ trợ cộng đồng đã giúp đời sống của người dân từng bước được nâng cao, ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư cũng được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, để kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân gắn bó với rừng hơn nữa, Nhà nước vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân sinh sống trong khu vực vùng đệm; đồng thời, tạo sinh kế bền vững để giúp họ yên tâm sản xuất và có điều kiện để tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.