BVR&MT – Thời gian qua, hiệu quả từ mô hình sản xuất, ươm giống cây trồng lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ thân thiện với môi trường đã thu được những thành công rất lớn. Tỉnh Bắc Giang bắt đầu ứng dụng, sản xuất, ươm giống, trồng cây lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ từ cuối năm 2015, đến nay đã trồng được với diện tích tổng cộng khoảng 950 ha.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 03 cơ sở sản xuất, gieo ươm giống cây trồng lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, 02 cơ sở trên địa bàn huyện Sơn Động là doanh nghiệp tư nhân Quý Thế và hộ gia đình ông Hoàng Văn Phục. Theo thống kê, năm 2017, đã sản xuất, ươm được khoảng 1,2 triệu cây bằng bầu siêu nhẹ; thị trường tiêu thụ cây giống gồm các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
Công nghệ sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ là sử dụng dây chuyền các thiết bị cơ giới tạo túi bầu tự hoại với nguyên liệu 100% chất hữu cơ phế thải như: Mùn cưa, vỏ lạc nghiền nhỏ, chấu hun… Hầu hết các công đoạn đều được cơ giới hóa, từ khâu trộn hỗn hợp ruột bầu cho đến khâu cuộn túi bầu hữu cơ, cắt bầu… Công suất máy sản xuất bầu cây đạt khoảng từ 30.000 – 40.000 bầu một ngày với 02 công nhân, năng xuất gấp 04 lần so với người dân đóng bầu đất truyền thống.
Ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế chia sẻ: “Trước đây, trung bình mỗi công nhân làm thủ công, trong một ngày chỉ đóng được từ 04 đến 4,5 nghìn bầu, khi đó để đáp ứng đủ nhu cầu việc sản xuất cây giống để phục vụ trồng rừng, Công ty thường phải thuê từ 05 – 06 lao động. Từ khi ứng dụng công nghệ sản xuất sử dụng dây chuyền các thiết bị cơ giới, Công ty chỉ cần 02 công nhân, trong một ngày đã sản xuất được khoảng 30.000 bầu”.
Mặt khác, với công nghệ này, vỏ bầu có nguồn gốc từ tự nhiên, sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu hữu cơ sẵn có tại địa phương, rễ cây đâm xuyên qua vỏ bầu và đặc biệt vỏ bầu tự phân hủy trong thời gian ngắn, không gây hại cho môi trường, cải thiện điều kiện đất đai do không sử dụng túi bầu bằng Ni lông (theo nghiên cứu, túi Ni lông khi chôn vùi dưới đất phải mất từ 400 – 600 năm mới có thể phân hủy hết).
Cùng với đó, ruột bầu có khối lượng nhẹ hơn, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi trồng rừng (trước đây, với bầu đất truyền thống, khi vận chuyển cây con từ chân lô lên địa điểm trồng, mỗi người chỉ vận chuyển tối đa được từ 50 – 100 bầu/lần, nhưng hiện nay một người có thể vận chuyển được từ 400 đến 500 bầu/lần); trong quá trình trồng không cần phải xé vỏ bầu nên bộ rễ cây được đảm bảo, rễ cây con phát triển mạnh với nhiều nốt sần cố định đạm, cây trồng phát triển tốt và đồng đều.
Ông Hoàng Văn Khang, Cán bộ kỹ thuật – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế chia sẻ: “Đối với cây được gieo ươm bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, cây con có bộ rễ phát triển, ít bị nấm bệnh, không bị chết rút đối với cây gieo từ hạt vì bầu thoát nước tốt, khi trồng rừng cây gặp thời tiết thuận lợi, đất đủ độ ẩm cây trồng sinh trưởng nhanh và đồng đều. Từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty đã xuất bán được khoảng 180.000 bầu ra thị trường trong tỉnh và tỉnh Thái Nguyên; hiện nay, tại vườn ươn của Công ty vẫn còn khoảng 40.000 bầu siêu nhẹ là loài cây Keo tai tượng để xuất bán cho người trồng rừng ”.
Ông Trần Dân Thế (doanh nghiệp tư nhân Quý Thế, xã Yên Định, huyện Sơn Động) chia sẻ: “Năm 2017, doanh nghiệp gieo ươm được 350.000 cây giống loài Keo tai tượng bằng bầu siêu nhẹ để bán ra thị trường, sau khi trừ chi phí, thu nhập được khoảng 70 triệu đồng. Năm 2018, doanh nghiệp đã gieo ươm khoảng 700.000 cây giống loài Keo tai tượng bằng bầu siêu nhẹ, từ đầu năm đến nay, đã xuất bán được khoảng 100.000 bầu ra thị trường các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn ”.
Qua khảo sát hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến (xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) trồng rừng bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, ông Tuyến cho biết: “Tháng 6/2017, gia đình tôi trồng rừng loài cây Keo tai tượng bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, với diện tích 6,0 ha, sau khi trồng cây có tỷ lệ sống trên 95%, cây sinh trưởng tốt, từ khi cây mới trồng đến nay chưa thấy có hiện tượng có loài Mối hay loài Dế gây hại cho cây trồng; hiện nay, chiều cao vút ngọn của cây từ 1,8 – 2,5 m, đường kính gốc cây từ 04 – 06 cm”.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiếp tục theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất, gieo ươm giống cây trồng lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, cũng như những lô rừng đã được trồng bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, nhằm đưa ra những khuyến cáo cần thiết và có những giải pháp, hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình công nghệ mới này cho nhiều cơ sở sản xuất, gieo ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và tăng cường sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, đưa giống mới, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ giống cây lâm nghiệp đem đi trồng rừng; ngăn chặn, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các chủ cơ sở gieo, ươm giống cây trồng lâm nghiệp không có nguồn gốc, xuất xứ, nhất là giống Bạch đàn có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Dương Đại Tiến