BVR&MT – Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới là đề án của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vươn lên ổn định đời sống, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết quân – dân trên dải đất biên cương của Tổ quốc. Tại tỉnh Quảng Bình, với cách làm sáng tạo và linh hoạt, đề án sớm đi vào thực tiễn, bước đầu mang hiệu quả cao.
Thiếu úy Hồ Văn Dương, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Làng Ho được phân công phụ trách bảy hộ với 27 khẩu tại xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Chúng tôi theo chân anh đến thăm gia đình anh Hồ Văn Tem ở bản Tân Ly, được chủ nhà cho xem đàn lợn mà gia đình anh nuôi theo gợi ý của Thiếu úy Hồ Văn Dương, nay đã khá lớn. Hôm trước anh Tem xuất bán ba con thu được gần 15 triệu đồng. Bản Tân Ly có ruộng lúa nước được BĐBP đầu tư mấy năm trước, nay dân bản đã biết tự sản xuất để có nguồn lương thực ổn định. Thiếu úy Hồ Văn Dương hỏi chuyện sản xuất thì được biết, bà con cũng vừa được chính quyền hỗ trợ lúa giống để vào vụ mới. Vui chuyện, anh Hồ Văn Tem kể thêm nhờ bộ đội Dương động viên, thuyết phục cho nên các con anh không còn muốn bỏ học nữa. Cạnh nhà anh Tem, gia đình chị Hồ Thị Căng cũng phát triển mô hình chăn nuôi, bước đầu đã có nguồn thu, không còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thiếu úy Hồ Văn Dương kể, bà con dân tộc Vân Kiều phụ thuộc vào việc đi rừng; nhiều người còn ỷ lại; chưa tự giác sản xuất để phục vụ cuộc sống. Vì vậy, muốn tạo sự chuyển biến thì trước hết phải thay đổi nhận thức, nói cho bà con hiểu, làm để bà con theo. Bên cạnh công tác vận động quần chúng không tham gia, tiếp tay các hành vi vi phạm pháp luật, BĐBP còn hướng dẫn bà con kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.
Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt và gồm nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 92%. Với phương châm “ba bám, bốn cùng” (ba bám: Bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách; bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc), thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ra Mai không chỉ cử các tổ công tác cắm chốt tại từng địa bàn mà còn chú trọng thực hiện phân công đảng viên biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở sát biên giới. Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thành Dũng, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ra Mai, được phân công phụ trách giúp đỡ năm hộ gia đình hộ nghèo và già cả, neo đơn ở xã. Anh tranh thủ những ngày nghỉ và các chuyến công tác xuống địa bàn đến từng gia đình tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh, điều kiện nhằm lựa chọn các mô hình, phần việc sát với thực tế để mang lại hiệu quả. Đồng chí Dũng cho biết: “Cách làm của tôi là đối với gia đình có sức lao động, có vườn rộng thì tuyên truyền, vận động, trực tiếp giúp họ rào vườn, phân chia khu vực để nuôi gà, trồng rau, trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại ra xa để hạn chế ô nhiễm”. Như mưa dầm thấm lâu, sau một năm, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các gia đình mà anh phụ trách. Nhiều hộ gây được đàn lợn, đàn gia cầm, có vườn cây, ruộng lúa nước… Hiện, anh Dũng đang hướng dẫn một gia đình cải tạo đất, trồng vườn cam 300 cây, huy động và cùng bà con làm một con đường nội bản dài 800 mét.
NHẰM tăng cường vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở Đồn Biên phòng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên biên phòng trong việc nâng cao đời sống cho đồng bào trên tuyến biên giới, tháng 10-2018, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện đề án “Đảng viên phụ trách hộ dân biên giới” (Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP). Đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã phân công 365 đảng viên phụ trách 1.803 hộ gia đình, trong đó có 1.517 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 44 gia đình chính sách, có công với cách mạng, 71 hộ có mối quan hệ chính trị – xã hội phức tạp và 170 hộ có quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới.
Thượng tá Đinh Xuân Hùng, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết, qua một năm thực hiện đề án quan trọng này cho thấy cán bộ, chiến sĩ được phân công phụ trách hộ gia đình đã tích cực bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để tìm cách hỗ trợ theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhất là trong sản xuất. Đồng thời, qua đó tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương để người dân nâng cao nhận thức trước các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tích cực xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng, khu dân cư. Các đảng viên phụ trách hộ dân đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương quan tâm giúp làm nhà đại đoàn kết, tặng quà, động viên các hộ gia đình có công với cách mạng; vận động, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất cho các hộ nghèo nhằm cải thiện đời sống. Đảng viên biên phòng thường xuyên đến tận nhà các hộ gia đình có các mối quan hệ chính trị – xã hội phức tạp, tìm hiểu nguồn gốc những bức xúc, tâm tư, vướng mắc để từ đó có giải pháp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ phù hợp, hiệu quả. Việc làm này đã góp phần thắt chặt tình quân dân, nhân dân tin tưởng, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Thượng tá Đinh Xuân Hùng cho biết, các đảng viên phụ trách hộ dân tuyến biên giới đã cùng với đơn vị hướng dẫn người dân xây dựng ba mô hình vườn rau xanh, hỗ trợ 75 con lợn giống, 840 con gà giống cho các hộ đồng bào nghèo, giúp năm hộ dân thoát nghèo, kết nạp được hai đảng viên mới. Ngoài ra, các đảng viên biên phòng này còn kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm trao 3.717 suất quà tặng các hộ gia đình và học sinh nghèo nhân các dịp lễ, Tết, khai giảng năm học mới với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Thực tế tại tỉnh Quảng Bình cho thấy, thời gian triển khai chưa lâu và các kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, song chủ trương phân công đảng viên biên phòng phụ trách hộ dân khu vực biên giới đã mang lại hiệu quả, được các cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và nhân dân đồng thuận, ủng hộ.