BVR&MT – Mặc dù là vựa lúa lớn của cả nước, nhưng trong suốt thời gian dài, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa làm giàu một cách bền vững nhờ trồng lúa. Ðó là trăn trở không thể giải quyết một sớm, một chiều, nhưng ở nhiều địa phương, người nông dân đã ý thức chuyển đổi và bước đầu thích ứng với tư duy sản xuất mới.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9-4 triệu ha/năm, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng của cả nước và sản lượng lúa đạt khoảng 23,8 triệu-24 triệu tấn lúa/năm. Toàn vùng có hơn 211.900 ha canh tác theo mô hình lúa-tôm ở nhiều tỉnh, thành phố ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang… với sản lượng đạt hơn 84.700 tấn. Ðáng mừng là tổng thu nhập của mô hình lúa-tôm của nhiều hộ đạt trên 90 triệu đồng/ha và cho lợi nhuận bình quân từ 50-60 triệu đồng/ha, có hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/ha…
Mô hình tôm-lúa
Trong một lần trò chuyện cùng nhà nông địa phương, ông Tạ Mạnh Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau biết được có một số doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm về Cà Mau đặt hàng và bao tiêu toàn bộ lúa canh tác theo hướng hữu cơ. Ðể thực hiện ý tưởng canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, ông Kha đã tìm đến tỉnh Sóc Trăng học hỏi kinh nghiệm cách làm lúa sạch về áp dụng cho đồng lúa nhà mình. Thành công sau vụ đầu tiên, một số nông hộ liền kề làm theo. Ông kể: “Cuối vụ lúa thứ hai, những hộ trồng lúa ST24 trúng đậm hơn 6 tấn/ha, thương lái tranh mua giá cao hơn 500 đồng/kg so với lúa thông thường”.
Ðến cuối năm 2018, HTX Minh Tâm phát triển vùng nguyên liệu lên hơn 500 ha, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau công nhận vùng sản xuất lúa an toàn. Ðến nay, vùng nguyên liệu lúa sạch của HTX này mở rộng lên khoảng 1.000 ha, có hơn 300 hộ dân tham gia trồng lúa sạch với các giống chất lượng cao, như: ST24; Lài Campuchia; RVT… Không lâu sau, sản phẩm “Gạo sạch toàn Tâm” được ngành chức năng tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP của xã Khánh Bình Tây, cũng là nhãn hiệu gạo sạch đầu tiên ở đồng đất Cà Mau. Nông dân Huỳnh Văn Hưng tham gia chuỗi sản xuất lúa sạch của HTX Minh Tâm cho biết: “Chúng tôi sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ, được HTX bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhãn mác đã được công nhận. Vì thế, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng bán hết, lợi nhuận tăng lên rất nhiều so với làm lúa thông thường”.
Tuy đi trễ hơn HTX Minh Tâm nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn ở xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau lại về đích khá nhanh. Với giống chủ lực thành công nhờ ST24, từ 28 ha trồng lúa hữu cơ ban đầu khi mới thành lập vào tháng 10/2018, đến nay, HTX Ông Muộn đã liên doanh, liên kết với các hộ dân trong vùng mở rộng vùng nguyên liệu lên thêm 180 ha, năng lực cung ứng hơn 150 tấn gạo sạch thành phẩm mỗi năm. “Lúa ST24 được chúng tôi bao tiêu thấp nhất 7.000 đồng/kg, sau đó được gia công ở nhà máy và trải qua các khâu chọn lựa kỹ lưỡng trước khi đóng gói thành sản phẩm “Gạo sạch Ông Muộn”, có tem truy xuất nguồn gốc theo quy trình sản xuất lúa VietGAP và đã thành sản phẩm OCOP 3 sao”- ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn chia sẻ.
Tại huyện Thới Bình, nơi chiếm phần lớn diện tích lúa-tôm của tỉnh Cà Mau, chính quyền địa phương đang mở rộng vùng lúa-tôm đặc sản an toàn, lúa-tôm chất lượng cao (giống ST 5, ST 20, ST 24…), lúa-tôm hữu cơ… Mục tiêu của huyện là đến năm 2025 có từ 95%-100% diện tích nuôi tôm, trồng lúa của huyện sản xuất lúa theo quy trình lúa sạch và quy trình nuôi tôm sinh thái. Trong đó, phấn đấu có hơn 10.000 ha canh tác theo quy trình lúa-tôm hữu cơ được cấp chứng nhận.
Mô hình canh tác tôm-lúa là kinh nghiệm quý báu làm nên thành công bước đầu của Hợp tác xã dịch vụ-sản xuất lúa-tôm Trí Lực (HTX Trí Lực), tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ðến nay, HTX Trí Lực đã liên kết nông dân để mở rộng vùng sản xuất từ khoảng 50 ha của 15 hộ dân lên hơn 800 ha với sự tham gia của hơn 500 nông hộ trồng lúa tại địa phương. Trong đó, có 117 ha lúa đạt chứng nhận lúa hữu cơ và khoảng 700 ha lúa đạt chứng nhận lúa sạch.
Nhiều năm nay, nông dân tiêu biểu Nguyễn Văn Quất ở xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu luôn thành công mô hình tôm-lúa trên diện tích hơn ba ha, mỗi năm cho thu nhập bình quân từ 300-400 triệu đồng. Còn nông dân Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu say sưa kể về mô hình sản xuất lúa-tôm của gia đình mình mấy năm qua, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. “Nếu như trước đây thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa/năm thì nay đã có thêm thu nhập từ con tôm. Con tôm, cây lúa đã giúp nông dân chúng tôi làm giàu, góp phần làm cho miền quê vùng sâu này thay da đổi thịt”- anh Nguyễn Văn Dũng phấn khởi khoe.
Mô hình luân canh lúa-tôm ở Sóc Trăng được hàng nghìn hộ nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng diện tích canh tác từ 30 năm qua. Nhờ biện pháp canh tác giảm sử dụng tối đa phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa để bảo vệ môi trường nuôi tôm nên hiệu quả nâng lên rõ rệt, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại giảm dần, xuống chỉ còn 6% trong năm 2022.
Phát huy lợi thế, bảo vệ môi trường
Các kỹ thuật canh tác có thể làm tăng năng suất, gia tăng sản lượng lúa nhưng cũng có thể tác động ngược lại là làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, việc định hướng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm giảm ảnh hưởng đến môi trường là hướng đi đúng đắn. Trong đó, mô hình lúa-tôm được các nhà khoa học đánh giá là hướng canh tác thông minh, độc đáo trên thế giới.
Cà Mau hiện có khoảng 90.000 ha đất canh tác lúa, tổng sản lượng lúa hằng năm khoảng 550.000 tấn. Trong đó, khoảng 40% diện tích canh tác theo mô hình lúa-tôm. Sau nhiều năm nỗ lực gây dựng, đến nay, tỉnh đã tạo dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ngành hàng nông sản khoảng 8.500 ha lúa cao sản an toàn; 2.500 lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, Ðài thơm 8); lúa-tôm đặc sản (ST24, ST25) khoảng 3.000 ha; khoảng 700 ha lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn Quốc tế USDA, EU, JAS. Giám đốc HTX Trí Lực Lê Văn Mưa cho biết: “Chúng tôi phấn đấu có khoảng 200 ha lúa ST24 được chứng nhận lúa hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Mục tiêu trên có thể đạt được trong vụ mùa tới đây, bởi suốt quá trình canh tác lúa, hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất của HTX không sử dụng bất kỳ loại hóa chất gì nhằm có môi trường sạch phục vụ nuôi tôm. Vì thế, sản phẩm lúa hữu cơ ở đây khá đặc thù để cho ra hạt gạo sạch”.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Bạc Liêu sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa-tôm gần 45.000 ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, hiện nay toàn tỉnh có diện tích sản xuất theo mô hình lúa-tôm gần 39.000 ha, tập trung ở các huyện như Phước Long, Hồng Dân. Riêng huyện Phước Long hiện có gần hơn 5.000 ha chuyên sản xuất giống lúa chất lượng cao như ST24 và ST25 trên đất nuôi tôm. Tại huyện vùng sâu Hồng Dân hằng năm có diện tích lúa-tôm gần 25.000 ha, nông dân sản xuất các giống lúa chủ lực chất lượng cao như ST24, ST25, Một bui đỏ, Ðài thơm 8… Theo mô hình này, nông dân luân phiên thả tôm sú, sản xuất lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Vụ nuôi từ tháng 1-4 hằng năm, nông dân thả tôm sú, đến tháng 9 thì sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Mỗi năm thu hoạch một vụ tôm sú, một vụ lúa và tôm càng xanh, tổng thu từ 120-180 triệu đồng/ha, lợi nhuận 100 triệu/ha/năm.
Tại tỉnh Sóc Trăng, qua 5 năm thực hiện Ðề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, giai đoạn 2016-2020, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại đã tăng dần từ 148.463 ha lên 178.095 ha, vượt gần 30% so kế hoạch đề án. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, niên vụ 2020-2021, diện tích gieo trồng lúa gần 328.000 ha, sản lượng 2,06 triệu tấn lúa, trong đó sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1,53 triệu tấn, chiếm 74,3% tổng sản lượng, riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại hơn 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4%. Năm 2022, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 76%. Tỉnh đã định hình vùng sản xuất lúa-tôm ổn định, xác định đây là mô hình canh tác thông minh, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững với 10.000 ha, chủ yếu với giống lúa thơm trên nền nuôi tôm nước lợ 17.700 ha.
Hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương đang cải tiến và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa-tôm theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và phát triển bền vững mô hình theo chuỗi sản xuất. Trong đó, các bên tham gia cần phải thuần thục quy trình canh tác, nhóm giống và tuân thủ thời vụ nghiêm ngặt…, tiến tới cơ giới hóa, chứng nhận sản phẩm để đạt giá trị cao hơn.