BVR&MT – Những năm gần đây cùng với đẩy mạnh phát triển các cây nông nghiệp chủ lực như ngô, lúa, quýt… đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã mở rộng diện tích trồng cây sa nhân dưới tán rừng, bước đầu đã nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.
Được biết, Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao khoảng hai đến ba mét, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa mầu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc bầu dục có ba ô mang ba khối hạt mầu nâu sẫm, mùi thơm nồng.
Theo y học cổ truyền, cây sa nhân (hay còn được gọi là súc sa mật) là cây thuốc quý vì có giá trị dược liệu cao, có tác dụng trong việc hành khí, giúp điều trung, hòa vị, kích thích tiêu hóa…. Ngoài công dụng làm dược liệu, cây sa nhân còn dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, nước hoa, dầu gội….
Với lợi thế về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã trồng hơn 100 ha sa nhân. Điển hình là hộ gia đình chị Trương Thị Thanh, dân tộc Pa Dí, ở thôn Cóc Ngù có trên 5.000 gốc sa nhân cho thu hoạch ổn định, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình nhà chị Trương Thị Thanh, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì ngôi nhà khang trang mới được xây xong, trong nhà có nhiều vật dụng giá trị như ti vi, tủ lạnh, máy giặt…Ngồi trò chuyện hồi lâu chị Thanh dẫn chúng tôi ra vườn sa nhân của nhà chị. Cách đó không xa là khu rừng già, khi đến gần chúng tôi được tận mắt chứng kiến dưới những tán cây rừng già là một màu xanh của cây sa nhân.
Là một hộ với lâu năm trồng cây sa nhân chị Thanh chia sẻ: “Nhờ cây sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, gia đình chị đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị cho gia đình, nuôi được con đi học đại học”. Theo chị Thanh, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải bón phân mà chỉ phải làm cỏ vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao. Cây trồng sau 2 – 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng được mở rộng tới đó.
Chị thanh cho biết thêm, vào những ngày tháng tư, tháng năm, khi cây ra hoa, thời tiết có mưa nhiều thì năng suất sẽ cao hơn, ngoài ra phải trồng các cây thân gỗ có tán rộng để tạo bóng râm cho cây không bị cháy lá mỗi khi thời tiết chuyển nắng.
Ngoài việc trồng sa nhân, mở rộng diện tích vườn của gia đình, chị Thanh còn kinh doanh bán giống sa nhân cho các hộ gia đình khác, giúp tăng thêm thu nhập.
Theo ông Tẩn Khái Phủ, chủ tich UBND xã Nậm Chảy, sa nhân là loại cây ưa bóng dưới tán rừng, dễ trồng, vốn đầu tư ít, giá bán lại cao….So với các cây trồng khác thì cây sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay trên địa bàn xã có trên 100 ha cây sa nhân, phân bố đều ở các thôn. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Cũng theo ông Phủ, hiện nay xã đang khuyến khích bà con trồng cây sa nhân và tiếp tục nhân rộng diện tích, tính đến năm 2019 diện tích cây sa nhân trên địa bàn xã đạt khoảng 200 ha.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Sa nhân là cây dược liệu quý được trồng dưới tán rừng già, sau 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, năng suất trung bình của cây sa nhân đạt từ 100 kg – 200kg quả khô/ha/năm. Với giá bán dao động từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/kg quả khô, cây sa nhân mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Cây sa nhân có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên được người dân Nậm Chảy đưa vào trồng ngày càng nhiều, hứa hẹn sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây
Chiến Hữu – Hoàng Chất