BVR&MT – Là đơn vị có vai trò ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh, thời gian qua, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ…
Chủ động dịch chuyển để thích ứng
Theo Bộ KH&CN, thời gian qua Bộ đã chỉ đạo tăng cường hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các địa phương thông qua hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Có thể thấy, Trung tâm có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn, cầu nối và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ đời sống dân sinh, không vì mục tiêu lợi nhuận, là đầu mối cung cấp thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ.
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, giai đoạn 2016-2021 các Trung tâm đã chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành khoa học và công nghệ và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, về làm chủ công nghệ, hệ thống Trung tâm đã làm chủ gần 400 công nghệ, tập trung ở một số lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng,…
Về dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ triển khai công nghệ: đã có hơn 14.000 hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ do các Trung tâm thực hiện (trung bình 2.800 hợp đồng/năm) với tổng giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ khoảng 320 tỷ đồng, tăng trưởng 10-12%/năm. Lĩnh vực tư vấn chủ yếu là nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm.
Về triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ: các Trung tâm đã và đang thực hiện 1.030 nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực chủ yếu sau: Nông nghiệp, an toàn bức xạ, năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, điều khiển tự động… đáp ứng yêu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương.
Năm 2020 và 2021, trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thích ứng linh hoạt các Trung tâm vẫn đảm bảo hoạt động, chủ động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Những công nghệ, sản phẩm của Trung tâm đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương.
Điển hình như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Hàn nghiên đã đề xuất và triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người, vật tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga,… trong phòng dịch bệnh COVID-19”.
Kết quả đã thiết kế lắp đặt buồng khử khuẩn di động phục vụ công tác tiệt trùng cho người tại các công sở, bệnh viện, trường học, nhà ga nơi tập trung đông người. Trung tâm đã chuyển giao 03 buồng khử khuẩn (cho Bệnh viện đa khoa Nghệ An, Khu cách ly Khoa Quân sự – Đại học Vinh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) và cung cấp được hơn 10.000 lít dung dịch Anolyte cho công tác phòng trừ dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Nghệ An…
Cùng với đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh đã nghiên cứu và hoàn thiện Mô hình công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và đảo tự động nâng cao hiệu quả nghề chế biến nước mắm. Đây là kết quả của dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời”, thuộc Chương trình “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Mô hình công nghệ đã giúp rút ngắn thời gian chế biến nước mắm từ 18 tháng xuống còn 8-9 tháng; giảm 90% công nấu, đảo, rang phơi, giúp quá trình lên men và thủy phân hiệu quả hơn, tạo chất lượng nước mắm thơm ngon hơn, màu sắc đẹp hơn và tăng hiệu suất thu hồi lên 1,2 lần. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ giải pháp sáng chế hữu ích. Hiện Trung tâm đã chuyển giao cho các cơ sở nước mắm Ba Làng Thanh Hóa, một số cơ sở sản xuất nước mắm ở Quãng Ngãi.
Tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố đã liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Sinh Hóa Phù Sa để thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng virus corona mới”. Đến nay Trung tâm và đối tác đã hoàn thiện Bộ sinh phẩm sinh học phân tử (50 test/bộ) và Hệ thống SPOT CHECK (50 test/bộ)…
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ cho biết, ngay từ khi có dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên địa bàn thành phố, lãnh đạo Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm nâng cấp, phối hợp với các đơn vị chuẩn bị xét nghiệm, sàng lọc.
Trung tâm đã tích cực huy động nhân sự của Trung tâm, sự hỗ trợ của các đơn vị như Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Y dược, mời các chuyện gia của Viện Pastuer TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn trực tiếp cho đội ngũ thực hiện công tác xét nghiệm. Đây là minh chứng rõ nét thể hiện vai trò của KH&CN trên tuyến đầu phòng chống dịch.
Tự chủ thúc đẩy chuyển giao công nghệ
Bên cạnh những kết quả đạt được các Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn trong triển khai hoạt động ứng dụng chuyển giao và thực hiện cơ chế tự chủ về công nghệ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Việt Dũng cho biết, nguồn nhân lực của Trung tâm có đủ năng lực, kỹ năng, tuy nhiên còn hạn chế về công nghệ và chuyển giao công nghệ, nhất là những lĩnh vực chuyên ngành, chuyên sâu. Do đó, cần tiếp tục đào tạo, tập huấn nhân lực cho các Trung tâm ứng dụng để đảm bảo đủ nguồn lực tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Cần thiết kế chương trình, chuyên gia theo dạng chuyên ngành, chuyên sâu cho từng vùng, từng nhóm Trung tâm tương đồng, để nâng cao năng lực để tiếp thu và chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng, đảm bảo các Trung tâm có đủ điều kiện để tư vấn, trình diễn các mô hình công nghệ mới, công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ sẵn chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và thường xuyên cung cấp thông tin và cập nhật các thông tin, dữ liệu, công nghệ mới… hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm và lựa chọn công nghệ…
Theo Bộ KH&CN, cần phải tăng cường hoạt động và hình thành liên kết mạng lưới giữa các Trung tâm với các viện trường để khai thác thế mạnh, hỗ trợ và liên kết nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu. Tạo các sân chơi của khu vực, vùng để nhân rộng các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm các công nghệ đã có trên thị trường phù hợp với điều kiện của địa phương.
Ứng dụng và khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của mạng lưới các Trung tâm để quảng bá, giới thiệu các công nghệ, sản phẩm của trung tâm sẵn sàng chuyển giao, nhất là quan tâm đầu tư ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để phát triển các kênh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm công nghệ của trung tâm, thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua và phù hợp với xu thế thương mại điện tử trên toàn cầu./.