BVR&MT – Thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã từng yêu cầu các địa phương khi thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
Thế nhưng, tại một số nơi vẫn còn xảy ra thưa kiện khi mà bên thu hồi đất và người có đất bị thu hồi chưa tìm được tiếng nói chung. Và như thế, cuộc sống “lay lắt” chờ đợi bồi thường tái định cư cứ dài thêm theo năm tháng. “Giá đất bồi thường quá rẻ so với giá thực tế cho nên chúng tôi cũng không có khả năng đi ra ngoài mua đất ở bất cứ nơi đâu. Vì thế, chúng tôi không đồng ý cái đó” – Đây là lời “than thở” của ông Hoàng Tuấn Cường, sống tại khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ khi chính gia đình bị rơi vào tình cảnh khó khăn.
Năm 2019, UBND quận Ninh Kiều thu hồi đất của 89 hộ dân tại khu vực 6 và 7, phường An Bình để giao cho Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới An Bình – Hồng Phát với quy mô 773 nền. Ông Cường và các hộ khác có tổng diện tích bị hu hồi là 15.000 m2.
Tuy nhiên, quá trình thương lượng giữa hai bên không đạt được kết quả, đã dẫn đến các hộ đồng khởi kiện bên thu hồi đất. Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM chấp thuận kháng cáo của các hộ dân và chuyển hồ sơ để TP. Cần Thơ giải quyết lại. Thế nhưng, vụ việc vẫn chưa có hồi kết. Nhân khẩu trong nhà thì “tứ tán” làm thuê chờ nhận thường bồi.
Bà Lý Thị Phi Phụng, ngụ tại khu vực 6, phường An Bình cho hay: “Trước đây, sống ổn định có vườn có trái cây có lúa sản xuất để ăn, từ hồi cưỡng chế tới giờ gia đình tôi vất vả phải đi mần kiếm thêm để sống. chúng tôi cần đổi đất để cất nhà cho cha mẹ, anh em ở”.
Ranh giới giữa sự đồng thuận và khiếu kiện liên quan đến các chủ trương thu hồi đất rất mong manh. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về dự án Luật đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu đã đồng tình với việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhân dân – Nhà nước – Doanh nghiệp. Người có đất bị thu hồi luôn ở thế bị động, có khả năng mất chỗ ở cũ hoặc mảnh đất mưu sinh. Quan tâm đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư là để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng: “Thu hồi đất thực hiện nhà ở thương mại, sử dụng đất 100% đất nông nghiệp, chủ đầu tư có thể thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án. Cá nhân, hộ gia đình đất có đất tham gia với chủ đầu tư dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trường hợp không thỏa thuận được thì Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư thực hiện, việc thu hồi đất phải được bồi thường bộ trợ, tái định cư theo quy định của Luật, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư”.
Tại dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phải áp dụng nguyên tắc khi thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Phải bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó, để có cuộc sống bằng và hơn nơi ở cũ không phải chỉ về điều kiện sống về hạ tầng mà chọn vị trí của tái định cư, chọn vị trí vừa ở và vừa sản xuất rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, phù hợp với tính cộng đồng, phù hợp với dân tộc. Như vậy chính quyền địa phương phải quyết định được việc chúng ta tái định cư như thế nào”.
Việc thực hiện thu hồi đất và bồi thường phải hài hòa lợi ích, đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ là đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả. Có như vậy mới giúp cho việc quản lý đất đai ổn định và cũng thể hiện tầm vóc, bản lĩnh, sự linh hoạt, nghĩa tình của đơn vị được giao nghĩa vụ quản lý đất đai tại địa phương.