BVR&MT – Cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, không chỉ tiếp tục phát huy việc bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế của người dân trong vùng.
Cao nguyên Kon Hà Nừng (thuộc tỉnh Gia Lai) là một trong hai địa chỉ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Người dân và chính quyền nơi đây mừng rỡ đón nhận tin vui này. Đây sẽ là cơ hội tốt để cao nguyên Kon Hà Nừng được quảng bá, thu hút nhà khoa học, đầu tư và giúp người dân trong vùng cải thiện đời sống.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng
Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 413.500 ha, được chia thành 3 vùng chức năng, gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Trong đó, vùng lõi bao gồm toàn bộ diện tích của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Đây là những nơi có hệ sinh thái thực vật có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng của khu vực Tây Nguyên; phần lớn là kiểu rừng kín, xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, với nhiều loài động – thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt ở đây còn có một số loài đặc hữu mới phát hiện như chim khướu Kon Ka Kinh, voọc chà vá chân xám…
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cũng đã xác định 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới. Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài; trong đó, 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Theo con đường mòn nhỏ, chúng tôi luồn sâu vào giữa lõi rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đứng trên đài cao 50 mét, có thể dễ dàng thấy cả cánh rừng rộng lớn, tán cây xanh ngắt xen kẽ nhau trải dài tít tắp. Nếu may mắn, bạn có thể thấy những đàn voọc chà vá chân xám nối đuôi chuyền cành hái quả.
Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, cho biết cao nguyên Kon Hà Nừng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho sự đa dạng về sinh thái. Nhiều vùng trong cao nguyên này có kiến tạo địa chất cổ và tối cổ, trên 2 triệu năm; có nhiều thác nước lớn, nhiều miệng núi lửa còn rất rõ nét và có dấu vết của con người sinh sống hàng ngàn năm trở về trước.
Kon Hà Nừng còn được xếp loại A quốc tế về đa dạng sinh học, có nhiều động – thực vật quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ, như: trầm hương, lan kim tuyến, trắc, voọc chà vá chân xám, chim hồng hoàng…
Thúc đẩy phát triển
Theo các nhà chuyên môn, vùng lõi của cao nguyên Kon Hà Nừng có thể thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển theo hướng bền vững cấp độ vùng. Các vùng đệm là diện tích rừng có hoạt động hài hòa với công tác bảo tồn, còn vùng chuyển tiếp khuyến khích tạo ra các hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận Khu DTSQ thế giới là cơ hội để tiếp tục phát huy công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và tiếp cận được nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác này. Nhà nước cũng sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của cao nguyên Kon Hà Nừng.
Các nhà chuyên môn tin rằng cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu DTSQ thế giới sẽ thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, khám phá, phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn; sẽ có nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực, nâng cao đời sống người dân. Thông qua danh tiếng của Khu DTSQ thế giới, người dân trong khu vực sẽ bán được sản phẩm với giá trị cao hơn khi được gắn với các nhãn sinh thái; chuyển sang làm ngành nghề cho thu nhập tốt hơn như kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa bản địa, cộng đồng…, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ; phát triển các dịch vụ khác.
Ông Trịnh Viết Ty nói khi các dự án được đầu tư cho vùng đệm, vùng lõi của Khu DTSQ thế giới này, người dân trong vùng có cơ hội được tham gia các hoạt động trong các dự án. “Cao nguyên Kon Hà Nừng được thiên nhiên ưu ái ban tặng khi có rừng, đất nông nghiệp, mặt nước, có không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có vô vàn cảnh đẹp. Đây là vùng đất có tiềm năng lớn để làm du lịch sinh thái cũng như nông nghiệp bền vững” – ông Ty nói.
Còn ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng thôn Trạm Lập, xã Sơn Lang, huyện Kbang (Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng) cho biết rất phấn khởi khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm trong Khu DTSQ thế giới. Với người dân ở vùng đệm như ông, họ mong muốn được hưởng lợi từ Khu DTSQ thế giới. “Khi trở thành Khu DTSQ thế giới, nơi đây sẽ có nhiều khách du lịch tới tham quan, lúc đó người dân nơi đây sẽ có thể tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch” – ông Minh hy vọng.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tin tưởng việc xây dựng Khu DTSQ thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ giải quyết những vấn đề thực tiễn mà con người đang phải đối mặt là làm thế nào để bảo tồn sự đa dạng sinh học trong điều kiện tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt với sự thúc đẩy đời sống kinh tế – xã hội phát triển.
Cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh này cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO, nhằm bảo đảm các tiêu chí và chức năng của một khu DTSQ, biến Khu DTSQ thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây là cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai trong chỉ đạo, vận hành Khu DTSQ thế giới này tuân theo các quy định của Việt Nam và UNESCO. |