BVR&MT – Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 405 sông liên tỉnh, 3.045 sông, suối nội tỉnh. Tổng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa.
Dòng chảy hằng năm phân bố không đều, chủ yếu trên lưu vực sông Cửu Long (khoảng 56%), lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình (khoảng 18%), còn lại ở các lưu vực sông khác. Mặt khác, phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam là các sông xuyên biên giới, lượng nước từ nước ngoài chảy vào chiếm khoảng gần 60% tổng lượng nước trung bình hằng năm.
Trong khi đó, quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng đã và đang tác động, gây sức ép lớn, nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và tầng chứa nước. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau.
Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do nước thải sinh hoạt, nước thải của các cơ sở
sản xuất, làng nghề xả trực tiếp xuống các dòng sông trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về mức độ lẫn quy mô.
Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” (Accelerating Change) nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo sự khác biệt bằng cách thay đổi nhận thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hằng ngày.
Để bảo vệ tài nguyên nước, không thể thiếu sự tham gia có ý nghĩa của nhiều bên liên quan. Mỗi tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực và cụ thể như tiết kiệm nước sạch khi sử dụng, không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường, tránh tình trạng xả trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt; nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện phải được xử lý trước khi thải ra môi trường; hạn chế đến mức thấp nhất chất dinh dưỡng dư thừa, thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất, nguồn nước ngầm…
Chính quyền các địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, nhất là các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các vùng núi cao, hải đảo, vùng khan hiếm nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thành, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, cần bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; quy định phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy giảm, cạn kiệt và ô nhiễm; quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước…
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần triển khai có hiệu quả các cơ chế, điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, hợp tác chia sẻ hài hòa nguồn nước xuyên biên giới…
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hơn nữa các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; tăng cường việc quản lý hoạt động xả nước vào nguồn và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề. Cùng với đó, cần kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn, đơn vị mình quản lý…
Quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng đã và đang tác động, gây sức ép lớn, nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và tầng chứa nước. |