BVR&MT – Dù đạt nhiều thành tích trong hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức do tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép động vật hoang dã gây ra. Đẩy mạnh các hoạt động mạnh mẽ để bảo vệ động vật hoang dã đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan có trách nhiệm và cộng đồng xã hội.
Đẩy mạnh đấu tranh, xử lý vi phạm
Theo báo cáo về “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022” của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) ngày 6/9/2023, phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Trong năm 2022, đã có 95% số vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ; 79% các vụ án hình sự có đối tượng đã được đưa ra xét xử và kết án với mức án tù trung bình là 3,01 năm.
Báo cáo cũng khẳng định những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã.
Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà chia sẻ, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi vận dụng chế tài hình sự mới. Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên 92,2% (giai đoạn 2018-2022), sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực so với tỷ lệ 84,6% giai đoạn trước đó.
Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi vận dụng chế tài hình sự mới. Tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã tăng lên 92,2% (giai đoạn 2018-2022), sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực so với tỷ lệ 84,6% giai đoạn trước đó.
Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà |
Cùng với hoạt động điều tra, tỷ lệ các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đưa ra xét xử cũng tăng đáng kể. Trong bốn năm sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (2018-2022), trung bình tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%, tăng gần 30% so với giai đoạn trước đó.
Mức án tù trung bình cho một đối tượng phạm tội về động vật hoang dã trong năm 2022 là 3,01 năm, tuy có giảm so với mức án tù trung bình cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 là 4,45 năm, nhưng con số này vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình ghi nhận vào năm 2017 là 1,21 năm, thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng đã có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép. Một số vụ án điển hình như ngày 21/2/2023, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối tượng liên quan đến hai vụ vận chuyển trái phép gần 10 tấn các loại sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, xương sư tử từ châu Phi về Việt Nam được phát hiện tại cảng Tiên Sa.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Đức Tài 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngày 12/9, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ Nguyễn Văn Tới (xã Tam Dị, huyện Lục Nam) về hành vi tàng trữ một cá thể hổ, nặng khoảng 250 kg, được mua về với mục đích nấu cao bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 10/9, Công an tỉnh Lai Châu đã bắt quả tang và tạm giữ hình sự đối tượng Tẩn Siêu Dồng (thường trú tại bản Bành Phán, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ) về hành vi tàng trữ sừng tê giác và mật gấu…
Tính riêng quý I/2023, ENV đã ghi nhận tổng cộng 861 vụ việc về động vật hoang dã. Với sự hỗ trợ của ENV, các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 994 cá thể động vật hoang dã còn sống bao gồm 43 cá thể khỉ, 5 cá thể gấu ngựa, 389 cá thể rùa cạn, rùa nước ngọt, 2 cá thể vượn, 458 cá thể chim và nhiều loài động vật hoang dã khác.
Ngoài ra, 298 vụ vi phạm liên quan quảng cáo bán động vật hoang dã trực tuyến đã được xóa bỏ thành công nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của các nhà cung cấp mạng xã hội sau khi tiếp nhận thông tin từ ENV.
Tăng cường quản lý hiệu quả
Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định, người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Đây là những chế tài xử lý được cho là nghiêm khắc nhất từ trước tới nay, nhưng các hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, thậm chí có nơi còn xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã vẫn diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp vận chuyển với số lượng lớn. Có trường hợp đối tượng người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm nơi trung chuyển.
Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật, thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có việc không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về động vật hoang dã. Chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của chúng; đồng thời nâng cao hiệu quả răn đe và đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm thông qua việc đấu tranh không khoan nhượng trong công tác xử lý các vụ án.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật, thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có việc không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về động vật hoang dã.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường |
Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu khi mà chỉ còn khoảng 220 cá thể gấu đang nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân và 43 tỉnh, thành không có gấu nuôi nhốt. Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 120 cá thể gấu bị nuôi nhốt, chiếm hơn 50% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Đặc biệt, chỉ riêng huyện Phúc Thọ đã có 17 cơ sở nuôi nhốt gấu tư nhân, tập trung phần lớn số hộ nuôi nhốt gấu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng xã hội mong muốn các cơ quan có trách nhiệm của địa phương cần hành động mạnh mẽ để chấm dứt triệt để hoạt động nuôi nhốt gấu thương mại. Theo thống kê hiện còn khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép tại Việt Nam.
Một số dấu hiệu cho thấy nhiều cơ sở trong số này đang thực hiện các hoạt động có khả năng vi phạm pháp luật như nhập lậu, hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp, làm giả và buôn bán giấy tờ chứng minh nguồn gốc của động vật hoang dã hay thậm chí là nuôi những loài động vật hoang dã không nằm trong danh sách được đăng ký tại cơ sở. Do đó, cần xây dựng một khung pháp lý thống nhất để quản lý các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không vì mục đích thương mại.
Hiện Việt Nam về cơ bản đã xây dựng được một khung pháp lý khá hoàn thiện về bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên, các quy định còn chưa thật sự cụ thể để bảo đảm cơ chế quản lý hiệu quả với các cơ sở nuôi nhốt. Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó phân biệt rõ ràng giữa cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các cơ sở nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại cũng như xác định cụ thể các điều kiện thành lập và cơ chế hiệu quả quản lý hoạt động tại các cơ sở này là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với các hoạt động gây nuôi thương mại chưa được quản lý chặt chẽ, một trong những vấn đề gây nhức nhối nữa hiện nay là việc nhập lậu các động, thực vật ngoại lai. Chỉ trong hai năm qua, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận tới gần 300 vụ vi phạm với khoảng hơn 9.700 cá thể động vật hoang dã ngoại lai bị buôn bán hoặc nuôi nhốt.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động vào cuộc và giải quyết triệt để tình trạng buôn bán các loài ngoại lai đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng, trước khi chúng bị thả tràn lan vào tự nhiên và tình trạng buôn bán những loài này vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến loài ngoại lai và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tại khu vực biên giới để ngăn chặn các loài ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam mà không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp…