BVR&MT – Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) vừa công bố Báo cáo Các loài mới được phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Nhiều loài trong số này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi các hoạt động của con người. WWF kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực tăng cường bảo vệ các loài hoang dã quý hiếm, tuyệt vời này cũng như sinh cảnh của chúng.
Các thông tin trên nằm trong một báo cáo mới phát hành của WWF, trong đó tập hợp hàng trăm công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn và các viện nghiên cứu trên thế giới. Kết quả là đã có 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú đã được tìm thấy ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Các phát hiện này góp phần nâng tổng số loài được phát hiện trong khu vực lên tới 3.390 loài kể từ năm 1997.
Trong số 380 loài mới, một số loài được phát hiện và mô tả ở Việt Nam gồm: Rhododendron tephropeploides là một loài hoa trắng được phát hiện ở Phan Xi Păng, đỉnh núi cao nhất Việt Nam và thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn; Xephoanthus nubigenus, có nghĩa là “hoa mây”, được phát hiện trong các khu rừng có mây bao phủ tại cao nguyên Lang Biang ở tỉnh Lâm Đồng; Theloderma khoii – Ếch rêu Khôi – là một loài ếch lớn tuyệt đẹp mang trên mình màu xanh rêu, giúp loài nàyhoà lẫn vào các tảng đá phủ đầy rêu và địa y. Bậc thầy ngụy trang này được tìm thấy tại các thung lũng sâu hẹp ở các vùng rừng núi đá vôi khu vực Đông Bắc Việt Nam; Subdoluseps vietnamensis là một loài thằn lằn bóng được phát hiện ở các khu rừng quanh các rừng keo và đồn điền cao su ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận, miền Nam Việt Nam; Xenopeltis intermedius là một loài rắn được đặt tên theo lớp vảy óng ánh trên thân, được phát hiện ở độ cao 2.500m so với mực nước biển ở vùng Trung Trường Sơn.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn Động vật Hoang dã của WWF-Việt Nam, cho biết: “Những loài mới này đang chịu áp lực rất lớn từ nạn phá rừng, môi trường sống bị phá huỷ, phát triển đường sá, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan do các hoạt động của con người, phải cạnh tranh với các loài xâm lấn và chịu tác động tàn phá của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đáng buồn thay, nhiều loài đã tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành động cấp bách để ngăn chặn sự tuyệt chủng các loài hoang dã bằng cách bảo vệ sinh cảnh sống của chúng, hỗ trợ khôi phục quần thể các loài tự nhiên, tái hoang dã và ngăn chặn các hoạt động săn bắt mua bán động vật hoang dã trái phép”.
WWF làm việc với các đối tác chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và tư nhân ở 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng để xây dựng các chiến lược bảo tồn các loài và sinh cảnh của chúng. Các chương trình này tập trung bảo vệ các loài đặc hữu như Voi châu Á, Cá heo Irrawaddy và Hổ, cũng như sinh cảnh của chúng bao gồm các hệ sinh thái rừng, sông và đại dương. Để ngăn chặn sự suy giảm của các loài hoang dã, WWF đang hỗ trợ cải thiện quản lý các khu bảo tồn và giải quyết cuộc khủng hoảng đặt bẫy trộm, các điểm kinh doanh mua bán, gồm các kênh trực tuyến, động vật hoang dã bất hợp pháp, và tội phạm tài chính liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.
Hậu Thạch