Hạnh Dịch – Hành trình từ thiện đáng nhớ tới miền Tây xứ Nghệ

BVRMT – Trong tiết trời se lạnh và man mác “hơi thở” mùa xuân của miền Tây xứ Nghệ, Chi hội Nhà báo Tạp chí Rừng và Môi trường đã tổ chức chương trình trải nghiệm – kết hợp từ thiện thực hiện vai trò, trách nhiệm nhà báo với cộng đồng đầy ý nghĩa để lại dấu ấn khó quên cùng với cô và trò tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An từ ngày 06 đến 08/01/2017.

Là một trong những địa phương khó khăn điển hình của khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An, nhiều năm gần đây xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong đang dần đổi mới để đi lên cùng với đà phát triển chung về kinh tế- văn hóa – xã hội của toàn tỉnh. Tuy nhiên, với đặc thù dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số chiếm đến 90% thành phần dân số, lâu nay vẫn gắn bó với phương thức sản xuất truyền thống, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên, mùa vụ nên đời sống của bà con còn tương đối thấp so với bình quân cả nước.

Cũng vì thế, sự quan tâm và đầu tư cho giáo dục của Hạnh Dịch không thể so với mặt bằng chung tại các khu vực thành thị. Điều kiện sinh hoạt và học tập của cô và trò vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thấu hiểu rõ điều này, Chi hội Nhà báo đã phối hợp UBND huyện Quế Phong, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện chương trình giao lưu trải nghiệm kết hợp tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, qua đó nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt thành từ các cơ quan, đoàn thể cùng các nhà hảo tâm.

Lễ trao quà làm “ấm lòng” cô và trò vùng cao

Sáng ngày 07/01, trong không khí tươi vui, ấm áp, “Lễ trao quà cho Học sinh trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch” được diễn ra trang trọng với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Toàn cảnh buổi lễ.

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, Đảng ủy, HĐND, UNBD xã Hạnh Dịch, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, các ban ngành đoàn thể xã Hạnh Dịch, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch,… cùng đông đảo nhân dân địa phương, các thầy cô và học sinh trường Mầm non, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hạnh Dịch.


Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong.

Phát biểu tại Lễ trao quà, bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: Xã Hạnh Dịch là một trong số 13 xã đặc biệt khó khăn của huyện Quế Phong. Toàn xã có tới 6 thôn bản còn chưa có điện, người dân sống chủ yếu bằng nông – lâm nghiệp, đời sống hết sức khó khăn. Do đó người dân rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo.

“Thay mặt cho lãnh đạo UBND huyện Quế Phong, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp kịp thời của Chi hội Nhà báo Tạp chí Rừng và Môi trường đã giúp thêm cho người dân của địa phương nói chung, các em học sinh Hạnh Dịch nói riêng cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là niềm vui, là “làn hơi ấm” xua tan giá lạnh trong những ngày đông giá rét này…”, bà Mai khẳng định.

Ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch.

Cũng tại lễ trao quà, ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành và hy vọng Chi hội Nhà báo trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế Nông – lâm nghiệp bền vững của địa phương miền Tây tỉnh Nghệ An.

Buổi lễ còn có sự tham dự của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch.

Về phía Tạp chí Rừng và Môi trường, phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Đình Thiện – Thư ký Chi hội cho biết, Chi hội đã có rất nhiều chuyến đi và trải nghiệm thực tế cuộc sống của đồng bào các dân tộc, miền núi nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ở mỗi nơi Đoàn đều cảm nhận và thấu hiểu được sự khó khăn của đồng bào dân tộc, quanh năm nheo nhóc vì cái đói, cái nghèo.

Ông Đặng Đình Thiện, Thư ký Chi hội Tạp chí Rừng và Môi trường.

Riêng với Hạnh Dịch, cuộc sống thường nhật của các con em đồng bào các dân tộc nơi đây khi mùa đông đến đều phải chịu cái rét cắt da, cắt thịt, như những lưỡi dao, ngọn nứa siết lên những đôi chân trần tím tái, lạnh cóng nứt nẻ, đầu trần mặc chiếc áo mỏng manh, cũ kỹ vẫn cố chịu đựng để vượt đường khó để đến trường, lên nương, xách nước, cắt cỏ phụ giúp cha mẹ. Có những em nhỏ có áo mặc mà không có quần hoặc có quần mà không có áo đang run rẩy gồng mình trước cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt…!

Đại diện Chi hội Nhà báo trao quà cho trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch.

Do đó, bên cạnh những phần quà đầy ý nghĩa trao tặng cho các em học sinh như: Sách vở, tạp chí, chăn bông, giày dép, đồ dùng học tập… Chi hội Nhà báo cũng dành những món quà vô cùng thiết thực gồm 32 suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó, 6.000 cuốn vở (kẻ ô ly, kẻ ngang chất lượng cao dành cho các em hai trường) cùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như tivi, máy tính…Những món quà này được đại diện các doanh nghiệp hảo tâm tài trợ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của thầy cô và học sinh Hạnh Dịch.

Đại diện DN trao học bổng cho các em học sinh nghèo Hạnh Dịch.
Đại diện DN trao Tivi cho trường Tiểu học và trung học cơ sở Hạnh Dịch.

Điểm nhấn của của buổi Lễ là những món quà tinh thần rất giản dị nhưng giàu tình cảm đã được lãnh đạo Chi hội Nhà báo trang trọng trao tặng cho lãnh đạo huyện Quế Phong và xã Hạnh Dịch. Đây sẽ là những kỷ niệm khó quên của đoàn trong chuyến hành trình tới mảnh đất Quế Phong tươi đẹp và mến khách.

Lãnh đạo Chi hội Nhà báo trang trọng trao tặng quà lưu niệm cho UBND huyện Quế Phong.
Lãnh đạo Chi hội Nhà báo trao quà cho UBND xã Hạnh Dịch.

Một trong những điểm đặc sắc không thể thiếu xuyên suốt buổi Lễ chính là các tiết mục văn nghệ của cô và trò Hạnh Dịch ca ngợi vẻ đẹp của non sông đất nước, ca ngợi cuộc sống giản dị của đồng bào vùng cao. Đây cũng là những nốt son ghi dấu thành công của chương trình từ thiện do Chi hội Nhà báo tổ chức lần này.

Một số tiết mục văn nghệ đặc sắc của cô và trò trường Mầm non, trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch tại buổi lễ.

Hạnh Dịch – Những trải nghiệm khó quên

Cũng như nhiều chương trình ý nghĩa khác từng được tổ chức trước đây, song hành bên cạnh những hoạt động chính đã được lên kế hoạch chu đáo Chi hội Nhà báo luôn luôn giành ra những lịch trình đặc biệt nhằm khám phá, trải nghiệm thực tế cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo, những địa danh nổi tiếng nơi đây. Với mảnh đất Hạnh Dịch, điều đó cũng không phải là ngoại lệ.

Nằm nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vẻ đẹp tuyệt vời của núi rừng bao la, của suối ngàn trong vắt, của thác tràn tung bọt trắng xóa, hay vẻ tươi xanh của hoa thơm, cỏ lạ bốn mùa… Tất cả như hòa quện để tạo nên một tuyệt tác của thiên nhiên, dễ dàng làm mê hoặc bất kỳ ai khi lần đầu bắt gặp.

Thác Sao Va, nơi được coi là điểm nhấn đầu tiên của vùng đất Hạnh Dịch.

Điểm đầu tiên các nhà báo ghé thăm chính là Thác Sao Va, nằm ngay giữa núi rừng Hạnh Dịch, cách thị trấn Kim Sơn chỉ hơn 10 km với ngọn thác cao, rộng mỗi chiều từ 30 đến 35 m, dòng chảy nhanh và mạnh, va đập vào vách đá tạo thành những cột nước cực kỳ ấn tượng và hoành tráng.

Tiếp đó, phóng tầm mắt dọc con đường Hạnh Dịch – Mường Ðán chạy dọc theo dòng sông Nậm Việc để chiêm ngưỡng bên kia chính là rừng nguyên sinh Pù Hoạt, với nhiều loại gỗ quý hiếm như pơ-mu, sa-mu, những cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi. Đôi bờ dòng sông là những cảnh quan tuyệt đẹp như Thác Bảy tầng với những khối đá lớn nhiều tầng, nhiều lớp xếp lên cao xuống thấp, tạo thành những bậc thang nước dàn đều, đêm ngày cuồn cuộn chảy.

Chi hội Nhà báo Rừng và Môi trường ghé thăm Thác Bảy tầng thơ mộng.

Ngược lên một quãng, du khách có thể đến với bản Mường Ðán, dự kiến sẽ được khôi phục lại những nét đẹp của một làng văn hoá Thái cổ, vừa nhằm bảo tồn nền văn hoá, vừa kết hợp du lịch. Ðến đây, bạn được đắm mình vào với thiên nhiên, được khám phá phong tục tập quán của một nền văn hoá Thái cổ, với rượu cần, lăm vông, hát đối giao duyên, được sống trong những ngôi nhà sàn nguyên sơ, cùng những người dân Thái thật thà, chất phác. Là nơi sinh sống của năm dân tộc anh em Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Kinh, cũng được coi là cái nôi của nền văn hoá đồng bào dân tộc Thái.

Ðền chín gian – điểm đến thiêng liêng trong tâm thức những con cháu của vị vua đã lập ra chín bản mường của người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.

Về văn hóa tâm linh, vùng đất biên cương này cũng nổi tiếng với Lễ hội Ðền chín gian – điểm đến thiêng liêng trong tâm thức những con cháu của vị vua đã lập ra chín bản mường người Thái vùng Tây Bắc Nghệ An. Rời Ðền chín gian, ngược con đường lên xã biên giới Tri Lễ du khách có thể chiêm ngưỡng Tôn Chuổng – một hòn đá trắng muốt mang dáng hình người con gái, gắn với truyền thuyết về một mối tình đẹp đẽ Khủn Lu và U Piềng.

Các Nhà báo Chi hội giao lưu văn nghệ quần chúng với xã Hạnh Dịch.
Các đội ca múa người Thái biểu diễn những tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.
Chi hội Nhà báo giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ đồn biên phòng Hạnh Dịch.

Đêm đến những phóng viên, nhà báo lại có dịp giao lưu văn nghệ cùng với các đội ca múa dân gian đến từ các thôn bản của đồng bào Thái. Những điệu múa lăm, điệu xuối say đắm lòng người cứ thế du dương, hòa quyện trong không gian huyền ảo của bầu trời đêm Hạnh Dịch, bên cạnh là ánh lửa bập bùng sáng lên theo từng nhịp sạp của những cô gái Thái xinh đẹp, thân thương…

Buổi giao lưu văn nghệ thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân trong vùng cùng các em học sinh Hạnh Dịch.

Ánh lửa trại làm cho bầu trời đêm Hạnh Dịch thêm phần rực rỡ, những điệu lăm, điệu xuối Thái càng thêm say đắm lòng người.

Phóng viên, nhà báo RMT thưởng thức rượu cần cùng đồng bào người Thái trong buổi giao lưu văn nghệ.

Hạnh Dịch – Tiềm năng cần được đánh thức

Có thể nói, Hạnh Dịch hội tụ nhiều tiềm năng để có thể trở thành một địa phương phát triển tại khu vực miền Tây Nghệ An.

Tiềm năng đầu tiên phải kể đến chính là du lịch. Từ thiên nhiên, văn hóa cho đến phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây hoàn toàn có thể khai thác theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với các mô hình homestay, hay du lịch “phượt”…

Thế mạnh thứ hai chính là phát triển về nông – lâm nghiệp. Đồng bào các dân tộc tại Hạnh Dịch từ lâu đã gắn bó với rừng, do đó cần tạo những mô hình sinh kế gắn chặt với rừng, đảm bảo cho bà con có cuộc sống no đủ và vươn lên làm giàu từ rừng. Quan trọng hơn, đây cũng chính là tiền đề để địa phương thực hiện các mục tiêu quốc gia về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

Mặt khác, Hạnh Dịch là địa phương đặc biệt, có đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) nên có nhiều lợi thế về mặt thông thương và giao lưu kinh tế. Thông qua cửa khẩu Thông Thụ (xã Thông Thụ), tương lai hàng hóa, nông sản của Hạnh Dịch hoàn toàn có thể xuất khẩu sang nước bạn một cách thuận lợi.

Vịt trời là một trong rất hiều nông sản ngon – sạch – lạ của Hạnh Dịch.

Ngoài ra, một điểm đặc trưng khá thú vị của Hạnh Dịch mà ít nơi khác có được đó là nguồn thực phẩm mang tính “tự cung – tự cấp” của đồng bào dân tộc nơi đây. Trao đổi phóng viên, ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho hay, từ những nguồn nông sản quý như vịt trời, lợn mường, cá suối, măng rừng…cho đến những thực phẩm đặc như rượu Thái, cơm lam… đều được bà con nuôi trồng và sản xuất tại nhà. Chất lượng của những sản phẩm này rất ngon, sạch và lạ nên được du khách từ xa hết sức ưa chuộng. Tuy nhiên, để nâng tầm thương hiệu cho nông sản Hạnh Dịch cần có một sự quy hoạch chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ. Đây cũng là hướng đi mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương miền biên cương này.

Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ và sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc anh em, tương lai không xa Hạnh Dịch sẽ cất cánh trên con đường đổi mới và phát triển, trở thành “bông hoa ngát hương” trên đại ngàn Trường Sơn của tổ quốc.