BVR&MT – Việc để hàng loạt sản phẩm sức khỏe “dởm” tràn lan thị trường là nỗi lo trong công tác quản lý, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng.
Những ngày vừa qua, cả xã hội đều bức xúc khi liên tiếp những đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, sữa kém chất lượng, thực phẩm chức năng dởm, thức ăn bẩn… bị triệt phá.
Đầu tháng 4, Bộ Công an phát hiện đường dây sữa giả liên quan 573 nhãn hiệu sữa bột được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc, có cả sữa dành cho những người đái tháo đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Ngày 25/4, các cơ quan chuyên trách tỉnh Bắc Ninh phát hiện hơn 25 tấn, tương đương hơn 212.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamine… không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, sản phẩm ghi nhãn bằng tiếng Anh. Đến tối 26/4, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả…v.v.

Việc hàng loạt các sản phẩm liên quan sức khỏe con người xuất hiện tràn lan trên thị trường trong thời gian dài gây ra bức xúc trong nhân dân. Vì tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục có 4 công điện, thông báo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vụ việc này, trong đó yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án sữa giả, thuốc giả.
Bài toán trách nhiệm?
Sự tồn tại và phát triển của thị trường hàng sức khỏe “dởm” không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính cho người tiêu dùng khi “tiền mất tật mang”, mà nghiêm trọng hơn, nó bào mòn sức khỏe cộng đồng. Người bệnh có thể bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị vì tin dùng sản phẩm giả; người khỏe mạnh có thể gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm từ các thành phần không rõ ràng hoặc độc hại.
Hơn thế nữa, nó làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý nhà nước, vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chân chính và cả ngành y tế nói chung. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề do cạnh tranh không lành mạnh và mất uy tín chung của thị trường.
Điều gây bức xúc, hoang mang là khi các sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng đã trôi nổi trên thị trường suốt nhiều năm, len lỏi cả vào trong Bệnh viện. Nhưng đến khi bị phanh phui thì một số đơn vị liên quan, các cơ quan chức năng mới vội vàng đi kiểm tra, rồi quả bóng trách nhiệm được chuyền qua chuyền lại.
Trước tình hình này, câu hỏi cấp thiết được đặt ra: Trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan ở đâu và như thế nào? Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, việc để lọt lưới các sản phẩm không đạt chuẩn, quy trình cấp phép còn kẽ hở, hay việc hậu kiểm sau cấp phép chưa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ là những thiếu sót từ Bộ Y tế, mà Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm là các cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm chính trong việc cấp phép lưu hành, công bố chất lượng sản phẩm, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.
Tiếp theo, sự tràn lan của hàng “dởm” cho thấy công tác kiểm tra, giám sát lưu thông hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử, vẫn còn nhiều bất cập và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng được dư luận “gọi tên” trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đối với một số sản phẩm nhập khẩu thì vai trò “gác cổng” của Hải quan rất quan trọng. Một khi công tác này lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc xác định tiêu chuẩn, chất lượng, nghiễm nhiên nguy cơ hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường nội địa là rất lớn.
Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp cũng chưa làm tốt công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình kinh doanh, sản xuất trên địa bàn.
Dưới góc nhìn y tế, TS.BS Trần Bá Thoại – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, cho biết: “Mỗi một loại thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ phải qua rất nhiều công đoạn. Đặc biệt, để an toàn cho người tiêu dùng, Bộ Y tế, Bộ Công thương phải tiền kiểm, cấp phép lưu hành và hậu kiểm sau đó”.
Có thể thấy, sự yếu kém trong quản lý xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa theo kịp thực tiễn; Nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả. Cho đến câu chuyện chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và không thể loại trừ yếu tố tiêu cực, bao che, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ thực thi công vụ.
Dẫu vậy, việc để hàng loạt sản phẩm sức khỏe “dởm” tràn lan thị trường là nỗi lo lớn trong công tác quản lý, mà trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ. Những khuyến cáo của các cơ quan chức năng thôi chưa đủ, vì người dân, người tiêu dùng vô can và họ cũng không đủ khả năng để nhận biết, cũng như phân loại các mặt hàng “dởm” lưu hành trên thị trường.
Đã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và thực chất hơn nữa từ các cơ quan quản lý. Không chỉ đơn thuần để xử lý những vụ việc sai phạm đã xảy ra, mà quan trọng hơn là xây dựng một hàng rào pháp lý, quản lý vững chắc, ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này, trả lại một thị trường minh bạch và an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và củng cố niềm tin của nhân dân. Quan trọng hơn là những cá nhân, đơn vị liên quan vấn đề này cần phải thật sự làm tròn trách nhiệm với nhân dân.